Triển vọng phát triển cây vải thiều chín sớm
Nhờ lợi thế chín sớm hơn so với vải các tỉnh phía Bắc giúp vải thiều trên địa bàn Đắk Lắk dễ dàng tiêu thụ, giá cả ổn định, góp phần hiệu quả trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập của người dân.
Là một trong những người tiên phong đưa giống vải u hồng vào phát triển, đến nay, gia đình ông Bùi Trọng Quát (thôn 10, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Quát cho hay: Sau khi mang 3 cây vải u hồng từ Quảng Ninh vào trồng quanh nhà, qua nhiều năm chăm sóc cho thấy cây trồng rất phù hợp với đất pha cát và khí hậu khô hạn ở địa phương, cho quả sum suê, phát triển xanh tốt. Do đó, năm 2015, ông nhân rộng mô hình lên diện tích 2 ha, trồng 400 cây vải.
Trong năm 2021, gia đình ông đã thu được hơn 20 tấn vải, thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tại vườn với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm ông còn chiết cành cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2.000 cây vải giống, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Cán bộ Phòng NN-PTNN huyện Krông Bông kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây vải. |
Theo ông Quát, trồng vải đến năm thứ bảy sẽ cho năng suất ổn định. Vụ mùa năm nay, ông ước tính thu được khoảng 25 - 30 tấn vải, cao hơn năm trước. Chỉ còn hơn một tháng nữa vườn vải sẽ cho thu hoạch. Nhiều thương lái đã đến đặt cọc nhưng gia đình chưa bán vì theo ông, năm nay thời tiết không thuận lợi đối với cây vải nên nhiều vườn sẽ mất mùa, giá vải có thể sẽ đẩy lên cao hơn hiện tại.
Nhận thấy mô hình trồng vải ở địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Trần Ngọc Bích (thôn 2, xã Hòa Sơn) cũng đã chuyển đổi hơn 3 ha trồng cây mía kém hiệu quả sang trồng 900 cây vải u hồng. Ông đã tích cực tham quan, học hỏi nhiều mô hình vải tại huyện Ea Kar và đầu tư hệ thống tưới phun sương, tự ủ thêm phân hữu cơ bón cho cây, giúp cây phát triển bền vững. Không phụ công gia đình chăm bón, năm nay, 600 cây vải của gia đình ông đang chuẩn bị vào vụ thu bói.
"Khi đảm bảo được sản lượng cung cấp thị trường, địa phương sẽ liên kết với Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (Krông Pắc) để tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hợp tác xã phát triển cây trồng này, tạo thuận lợi cho việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân". Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực
|
Ông Hồ Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, cây vải thiều được người dân trong xã đưa vào phát triển từ năm 2015. Đến nay địa phương đã có 50 ha trồng vải, trong đó 20 ha đang cho thu hoạch. Nhờ lợi thế chín sớm hơn khoảng gần hai tháng, chất lượng không thua kém vải miền Bắc, đã tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ. Sản lượng vải địa phương không đủ để cung cấp cho thị trường. Để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông đã chuyển giao khoa học kỹ thuật và một phần cây giống, phân bón cho 10 ha trồng vải trên địa bàn. Trong năm nay, xã dự kiến sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng vải thêm khoảng 30 ha, trong đó, Phòng NN-PTNT huyện đã có kế hoạch hỗ trợ sản xuất cho 15 ha. Từ hiệu quả thực tế đó, địa phương sẽ đồng hành, hướng dẫn người dân phát triển diện tích trồng vải lên từ 200 - 300 ha trong thời gian tới và tích cực kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Trần Ngọc Bích (thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chăm sóc cây vải trước khi thu hoạch. |
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực cho hay, Phòng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực hướng sản xuất theo quy trình VietGAP giúp cây vải phát triển bền vững. Đồng thời, tham mưu UBND huyện trích kinh phí từ Nghị quyết 04 chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ phân bón, giống cây cho 40 ha vải và vận động người dân đối ứng phát triển thêm 40 ha trong năm nay. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển diện tích lên hơn 500 ha, qua đó, tập trung xây dựng vùng chuyên canh trồng vải tại 3 xã: Hòa Sơn, Hòa Thành, Yang Kang.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc