Xoay xở trong cơn “bão giá”
Giá xăng dầu trên thị trường tăng cao, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh cũng tăng mạnh, giá vận chuyển quốc tế vẫn neo lại ở mức cao... Trong cơn “bão giá”, doanh nghiệp (DN) của tỉnh nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại.
“Gồng mình” với “bão giá”
Chưa hết khó khăn do đại dịch COVID-19 thì "làn sóng" tăng giá nguyên, vật liệu, nhiên liệu đã tác động không nhỏ, khiến DN thêm “oằn vai”. Nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao từ năm ngoái và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong chia sẻ, nguyên liệu sản xuất có loại đã tăng 100% so với cách đây một năm. Cùng với đó, sản lượng cung ứng thấp, tình trạng khan hàng xảy ra ở một số loại nguyên vật liệu nhập khẩu. Chi phí đầu vào tăng cao nhưng đơn vị không thể tiếp tục tăng giá bán sản phẩm lần hai vì sẽ giảm sức cạnh tranh, sụt giảm lượng tiêu thụ. Do đó, Công ty chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bù lỗ để bảo đảm tiêu thụ hàng hóa, giữ chân khách hàng và việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ở góc độ DN xuất khẩu, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái đứng trước thách thức lớn do chi phí dịch vụ trên thị trường đều tăng như chi phí logistics, lưu kho bãi tăng cao, nguyên vật liệu phục vụ chế biến cũng leo thang chóng mặt. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cho hay, chỉ riêng trong tháng 3, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào, cước vận chuyển quốc tế đã tăng đến 10%. Nhiều đơn hàng, Công ty đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác, có đơn hàng ký đến 6 tháng nhưng khi giá nguyên vật liệu tăng cao mỗi ngày thì giá bán hàng hóa đầu ra chưa thể tăng tương ứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, biên độ lợi nhuận của DN.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. |
Nhiều DN thừa nhận, những khó khăn này là tình trạng chung của nhiều quốc gia, do bối cảnh đại dịch và khách quan của thị trường. Do đó, DN chấp nhận mặt bằng giá mới và linh hoạt có phương án ứng phó cả ngắn hạn lẫn lâu dài, nỗ lực khắc phục những tác động xấu để giảm bớt thiệt hại.
Nỗ lực ứng phó
Trong bối cảnh gặp khó khăn "kép", DN tính toán lại kế hoạch sản xuất, tìm mọi giải pháp để giảm thiệt hại do “bão giá”. Để ứng phó với giá nguyên liệu tăng cao, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong cải tiến liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu các chi phí để bù lại giá cả đầu vào tăng.
Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty cho rằng, càng khó khăn thì càng đòi hỏi phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín với người tiêu dùng. Nguyên vật liệu sản xuất thì không thể cắt giảm, cho nên việc quan trọng nhất là rà soát lại, nghiên cứu các quy trình sản xuất sao cho hợp lý nhất có thể ở từng khâu, từng chi tiết làm ra sản phẩm, cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại đơn vị. Cùng với đó, việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ giúp Công ty tự chủ hơn.
Trên tinh thần đó, Công ty mày mò, tìm tòi những đáp án riêng trong việc chế tạo, tìm nguyên vật liệu thay thế. Trên cơ sở năng lực kỹ thuật và phân xưởng sản xuất hiện có, Đăng Phong còn nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đầu năm 2022, Công ty cho ra đời sản phẩm máy cắt cỏ cầm tay sử dụng pin, trong đó các chi tiết máy, lưỡi cắt đều do công ty chế tạo ra nên giá thành, chất lượng tự tin cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.
Công ty Đăng Phong cải tiến hoạt động sản xuất để bù lại phần nào giá cả đầu vào tăng. |
Ở góc độ khác, nhiều DN của tỉnh nhìn nhận, trong cơn biến động tăng giá mạnh của thị trường, DN nào bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm và giá thành thì sẽ có thêm cơ hội để phát triển. |
Trước những khó khăn đang phải đối diện, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái linh hoạt đàm phán lại mức giá với đối tác, cùng chia sẻ khó khăn, chi phí vận chuyển với đơn vị. Đối với những đơn hàng xuất khẩu mới, công ty chọn cách ký hợp đồng ngắn hạn thay vì dài hạn như trước, rút ngắn thời gian thanh toán nhằm bảo đảm nguồn vốn. Về lâu dài, Công ty cũng sẽ sáng tạo sản phẩm mới, đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí vận hành, đồng thời tăng cường chiến lược tiếp cận thị trường, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường, dự báo giá cả, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, DN của tỉnh cần chủ động tự tìm giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong đó, DN phải thay đổi để chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ quản trị DN, dự báo sản xuất phù hợp và tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. “Đây cũng là lúc phát huy sức sáng tạo và chủ động của DN để giảm tải tác động của cơn "bão giá", cũng là dịp để DN tự nhìn nhận lại mình, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, tư duy điều hành DN để đứng vững trước những biến động bất thường của thị trường”- ông Dương nói.
Về phía ngành công thương, Sở sẽ hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để DN có thêm nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu để tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới. Tuy nhiên, bên cạnh sự năng động của DN cũng cần thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhà nước như kích cầu tiêu dùng, miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc