Chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn:
Giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng cà phê
Chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn (SourceUp) cho các cảnh quan cà phê và hồ tiêu vừa được khởi động tại 3 quốc gia châu Á (Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia) đã đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Đắk Lắk.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 213.000 ha, sản lượng trên 526.000 tấn. Trong những năm gần đây, ngành cà phê của Đắk Lắk phát triển khá toàn diện về chất lượng và sản lượng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và FLO (Thương mại công bằng), với tổng diện tích được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận hơn 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh.
Hằng năm, Đắk Lắk xuất khẩu khoảng 210.000 tấn, với kim ngạch khoảng 366 triệu USD. Cà phê Đắk Lắk được xuất khẩu sang 72 nước trên thế giới, những thị trường chính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italia, Thụy Sĩ, Đức…
Mô hình thí điểm vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tại huyện Krông Năng. |
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, mặc dù sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã có sự thay đổi tích cực, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng cao, thị trường thiếu ổn định, sản xuất vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp và cơ sở chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu... Những khó khăn này đòi hỏi các giải pháp toàn diện trên nền tảng hợp tác, đồng đầu tư của tất cả các bên liên quan. Do đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Đắk Lắk, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các hiệp hội, ban, ngành và các tổ chức liên quan, cùng hướng đến và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là rất cần thiết.
Trên thực tế cũng đã có nhiều chương trình, dự án liên kết sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu cà phê, trong đó Chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn (SourceUp) do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH phát triển và tài trợ được đánh giá mang lại nhiều tác động tại các vùng nguyên liệu.
Theo đó, Chương trình SourceUp được triển khai thí điểm bằng mô hình vùng nguyên liệu (được gọi là Compact) tại Việt Nam từ năm 2018 trên địa bàn các huyện: Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), Di Linh và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), với diện tích hơn 15.000 ha. Các kết quả tiêu biểu gồm: tăng 20% thu nhập của các nông hộ trong vùng thí điểm từ việc đa dạng hóa cây trồng và tối ưu hóa đầu vào; giảm 15% lượng nước sử dụng và lượng phân bón hóa học; từ đó giảm 25% lượng phát thải carbon trong các vườn cà phê.
Nông dân chế biến cà phê đặc sản trong vùng nguyên liệu của Chương trình SourceUp. |
Riêng tại Đắk Lắk, chương trình đạt được nhiều kết quả khả quan, từ mô hình thí điểm vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tại huyện Krông Năng trên diện tích 5.200 ha, đã giúp tăng trên 20% thu nhập của nông hộ tham gia, bảo đảm 100% sản lượng được sản xuất bền vững và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chương trình đã tăng cường liên kết sản xuất, thông qua các mô hình Cung ứng dịch vụ (SDM), hỗ trợ nông dân tiếp cận được nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, các dịch vụ nông nghiệp như bón phân, phun thuốc, tư vấn quản lý dịch bệnh và dinh dưỡng cây trồng, kỹ thuật sơ chế, bảo quản cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản và tiếp cận tài chính xanh.
Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đánh giá, SourceUp là một cách tiếp cận tốt, giúp từ người mua, đến người tiêu dùng tiếp cận với vùng trồng, vùng nguyên liệu. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu cho cà phê vùng Tây Nguyên. Dù vậy, chương trình hiện mới thành công trên quy mô nhỏ và có thể gặp thách thức khi mở rộng, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bên liên quan. |
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của IDH, các công ty như Simexco Dak Lak, ACOM, LDC, Intimex, Dakman, Sucden và các đối tác thuộc chuỗi cung ứng đã và đang triển khai tiếp cận SourceUp hiệu quả, đồng thời cam kết phối hợp với cơ quan quản lý địa phương mở rộng trên toàn bộ địa bàn huyện Krông Năng; đầu tư xây dựng vùng Compact cấp huyện mới tại huyện Cư M'gar, nâng quy mô diện tích nông nghiệp được trực tiếp đầu tư lên hơn 100.000 ha. Đặc biệt, đầu năm 2021, Công ty JDE đã công bố việc chính thức thu mua sản phẩm cà phê SourceUp từ vùng Krông Năng theo chương trình mua hàng có trách nhiệm, và sẽ đẩy mạnh đầu tư, thu mua sản phẩm SourceUp trong thời gian tới.
Từ những kết quả đạt được trong thời gian triển khai thí điểm mô hình vùng nguyên liệu, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH đã hợp tác cùng Bộ phận Tăng trưởng xanh toàn diện (Bộ Ngoại giao Hà Lan - IGG), Bộ phận Hợp tác quốc tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và UBND tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng chính thức khởi động Chương trình SourceUp tại 3 quốc gia châu Á (Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia) với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia này đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Matthew Spencer, Giám đốc toàn cầu Chương trình Cảnh quan bền vững IDH, cho biết, SourceUp là một giải pháp cải tiến giúp tăng cường kết nối đa chiều các vùng nguyên liệu với thị trường. Thông qua việc chia sẻ các thông tin về thực trạng và tiến độ cải thiện bền vững, SourceUp giúp cải thiện tính minh bạch, giúp các công ty tiếp cận, ra quyết định và thực thi những cam kết về việc mua hàng có trách nhiệm. Mặt khác, SourceUp thúc đẩy các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu liên tục cải tiến, hướng tới phát triển bền vững thông qua việc liên kết các đối tác công - tư liên quan trong một liên minh vùng sản xuất với những mục tiêu thống nhất, kết hợp với cơ chế xác nhận thông minh để giám sát, đánh giá tác động thực tế của cả vùng sản xuất.
Nông dân tham gia Chương trình SourceUp được tập huấn thử nếm cà phê đặc sản. |
Thông qua sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh, đây là cơ sở vững chắc để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phối hợp với IDH, JDE và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc nhân rộng chương trình trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới thông qua Đề án Vùng nguyên liệu quy mô lớn cho ngành hàng cà phê và cây trồng xen trên quy mô hơn 90.000 ha tại 9 huyện, thị xã của tỉnh.
Đắk Lắk cam kết sẽ tăng cường phối hợp cùng Tổ chức IDH và các đối tác liên quan cũng như xây dựng khung pháp lý thuận lợi để thúc đẩy việc áp dụng tiếp cận cảnh quan và SourceUp vì mục tiêu phát triển các ngành hàng bền vững, giúp cải thiện thu nhập của nông dân kết hợp với bảo tồn tài nguyên, môi trường.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc