Multimedia Đọc Báo in

Quản lý đất đai: Cần những giải pháp đồng bộ

06:53, 12/04/2022

Trước tình trạng hỗn loạn của thị trường bất động sản và phân lô, sang nhượng đất nông nghiệp tràn lan trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp để siết chặt, chấn chỉnh.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M'gar, Krông Pắc, Ea Kar... ở các khu vực ven hồ, ven suối, vùng phụ cận những công trình trọng điểm, việc giao dịch đất đai tăng đột biến, có hiện tượng tổ chức, cá nhân mua, bán đất ở gắn đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp để tách thửa, xin chuyển mục đích sử dụng đất, tung tin đồn thổi về quy hoạch sử dụng đất nhằm đẩy giá lên cao bất bình thường nhằm trục lợi.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng hồ sơ giao dịch bất động sản là 102.697 hồ sơ, tăng 43.815 hồ sơ (174%) so với cùng kỳ năm 2021.

Giá đất nông nghiệp gần hồ buôn Bông, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tăng cao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, số lượng tách thửa, phân lô tăng đột biến. Cụ thể, toàn tỉnh có 11.885 thửa (tương đương 197% so với năm 2021), trong đó, số thửa đất sản xuất nông nghiệp là 3.566 thửa (240%); đất ở, đất vườn, ao 8.319 thửa (183%). Các địa phương có nhu cầu tách thửa lớn như: TP. Buôn Ma Thuột (2.792 thửa), huyện Cư M'gar (1.493 thửa), Cư Kuin (1.273 thửa), Krông Pắc (1.127 thửa), Buôn Đôn (1.010 thửa)…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Cụ thể, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật (cho phép chuyển mục đích ở nơi chưa bảo đảm về hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, nằm cách xa khu dân cư hiện hữu...); cho chuyển đổi sang đất ở khi không có nhu cầu thực sự làm nhà ở; chính quyền cấp xã chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc tự ý chuyển mục đích và xây nhà trái phép theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Việc mua bán đất đai, tách thửa, phân lô đẩy giá lên cao sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai của địa phương, như: khó khăn trong việc quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư công, tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; gây khiếu kiện, khiếu nại. Đối với vùng ven TP. Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận các công trình trọng điểm, đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, việc chuyển nhượng đất đai làm mất tư liệu sản xuất, nếu sử dụng tiền bán đất không hiệu quả sẽ gây bất ổn xã hội, việc làm.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đình Nhuận, để hạn chế tình trạng phân lô, tách thửa, bán nền tràn lan, giải pháp đầu tiên là phải chấn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 4/2022; xác định vùng phụ cận trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất ở đô thị, đất ở nông thôn; quản lý chặt chẽ khu vực đất nông nghiệp đã được quy hoạch (hoặc dự kiến quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030) thành điểm dân cư đô thị mới, điểm dân cư nông thôn mới, khu vực chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn (đặc biệt là vùng phụ cận các công trình trọng điểm).

Một khu đất ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) được phân lô, xây dựng công trình nhà ở. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét việc chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu đã có kết cấu hạ tầng để giải quyết nhu cầu tạo lập nhà ở của hộ gia đình, cá nhân thật sự có nhu cầu để ở theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, siết chặt việc phân lô, tách thửa, trong đó quy định chuyển mục đích sang đất ở phải tách thửa riêng biệt; thửa đất sau khi tách phải tiếp giáp đường giao thông, không được phép tách thửa nếu không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch phân khu 1/2000...

Ông Nhuận cũng đề xuất, đối với phường, thị trấn thì đất nông nghiệp có diện tích tối thiểu 1.000 m2 mới được tách thửa, với các xã là 2.000 m2 (quy định hiện tại tương ứng là 500 m2 và 1.000 m2).

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ rà soát, xem xét báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến về các khu dân cư đã hình thành từ lâu phù hợp quy hoạch nhưng chưa có chủ trương mở đường để bổ sung vào quy hoạch, cho phép mở đường nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thành phố kiến nghị UBND tỉnh có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện tách thửa đất nông nghiệp; đồng thời, tăng cường triển khai các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu chính đáng về nhà ở cho người dân.

Phát biểu tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý đất đai; thận trọng trong việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân theo quy định.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Buôn Ma Thuột và các huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng đất đai, không để xảy ra tình trạng tự ý phân lô bán nền trái phép; có kế hoạch rà soát nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở những khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

Các sở, ngành, địa phương phối hợp quản lý chặt chẽ quỹ đất hướng tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, giữ nguyên hiện trạng, không để người dân, doanh nghiệp trồng cây, xây dựng công trình kiến trúc, làm xáo trộn đất để chờ đền bù, hỗ trợ.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.