Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột cần định rõ tầm vóc đô thị thương mại

06:28, 10/04/2022

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa quyết định triển khai xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc định vị kiến trúc, tầm vóc đô thị thương mại Buôn Ma Thuột thật sự cần được đặt ra rõ nét.

Nội dung cơ bản của Đề án có 5 đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột, trong quan hệ so sánh, tương đồng với một số đô thị đi trước như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, tỉnh Thanh Hóa… Mục tiêu là triển khai đầu tư TP. Buôn Ma Thuột với 3 giai đoạn định vị, hướng tầm nhìn đến năm 2045 trở thành “đô thị trung tâm và cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên”.

Thành phố thương mại cao nguyên

Điểm mấu chốt phải thấy rõ là, với mục tiêu này, TP. Buôn Ma Thuột cơ bản sẽ là một đô thị như thế nào?

Nhìn vào hiện trạng và định hướng của các tỉnh thành có cơ chế đặc thù, chúng ta có thể nhận diện, mỗi địa phương trong tầm nhìn phát triển luôn định vị rõ nét mảng kinh tế - xã hội cốt lõi của mình. Đơn cử Đà Nẵng, từ Nghị quyết 33 đến Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, mục tiêu xác định bất biến chính là phải khai thác hiệu quả sức mạnh, tiềm lực và thực lực của một thành phố biển duyên hải miền Trung. Những lợi thế kinh tế đầu tư, ứng dụng công nghệ, cải tạo môi trường, quy hoạch nhân lực, phát triển y tế, giáo dục, dân sinh… của địa phương đều xoay quanh trục "Kinh tế biển", lấy lợi thế kinh tế biển làm then chốt. TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự, trong các định hướng chính sách đều nêu rõ mục tiêu, dáng dấp của một "thành phố thương mại" tổng hợp phía Nam, tâm điểm giao thoa thương mại, dịch vụ của các tỉnh thành phía Nam và cả nước. Đô thị Cần Thơ, trong mọi định hướng đầu tư, áp dụng cơ chế đặc thù, luôn gắn bó với mục tiêu chính yếu là "thành phố dịch vụ và kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp" của cả vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long. Những hoạch định kết nối giao thương, thúc đẩy các dịch vụ liên kết sản xuất, xuất khẩu cả vùng về thành phố này đều tỏ rõ quan điểm và tầm nhìn đó.

Vậy TP. Buôn Ma Thuột phải là đô thị có tiêu chí cốt lõi là gì? Nhìn vào 5 đề xuất cơ chế đặc thù, phải khẳng định vị trí thành phố chính là cửa ngõ giao thương, logistics cho toàn vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ hàng hóa sản xuất, nhất là nông sản, thổ sản đặc thù địa phương. Cho nên, từ nâng hạn mức dư nợ vay, tăng vốn ngân sách về PPP (cơ chế 1 và 2), bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương (cơ chế 3), phân bổ thêm 45% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số tỉnh Đắk Lắk (cơ chế 4)… đều định hướng rõ: Buôn Ma Thuột phải đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối địa phương tỏa ra xung quanh, vận dụng các điều kiện tốt nhất để phát triển sản xuất, nhất là chuyên canh nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất và kinh doanh dịch vụ hướng đến xuất khẩu, kinh doanh nội địa… Đích đến của chuỗi vận động này chính là diện mạo một đô thị thương mại vùng cao nguyên.

TP. Buôn Ma Thuột đang dần định hình tầm vóc của một đô thị thương mại. Ảnh: Nguyễn Gia

Ba điểm then chốt

Nhìn vào thực trạng phát triển của TP. Buôn Ma Thuột, có thể thấy rõ 3 điểm then chốt cho địa phương thực sự định dạng đô thị thương mại, cũng là 3 cơ sở quan trọng để 5 đề xuất cơ chế đặc thù phát huy tác dụng.

Đó là việc đầu tư thỏa đáng, có chọn lọc tập trung vào thế mạnh nông nghiệp địa phương. Là vùng đất tâm điểm của các loại nông sản đặc thù như cà phê, điều, ca cao…, TP. Buôn Ma Thuột đang có sẵn một cơ ngơi canh tác chất lượng, nhất định phải giữ vững được hiện trạng này. Một khi địa phương thực hiện nghiêm vấn đề quy hoạch đất đai, giữ được diện tích đất trồng trọt, củng cố năng lực thu hoạch, bảo quản, chế biến nông thổ sản theo mùa vụ, lợi thế kinh tế nền tảng của Buôn Ma Thuột sẽ được giữ vững. Các cơ chế đặc thù dựa vào thực lực này chắc chắn phát huy hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, thu hút đầu tư, tạo điều kiện kiến thiết các hệ thống logistics về giao thương, đưa hàng hóa nông nghiệp đi các thị trường tiêu thụ lớn sẽ là giải pháp căn cơ để kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột ổn định. Điều này nếu kết hợp các lợi thế đầu tư số hóa, triển khai chuyển đổi số toàn diện từ bộ máy hành chính đến tư duy thương mại của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ chất lượng cao trong giao dịch buôn bán, xuất khẩu và kiểm soát sản xuất tại các cơ sở doanh nghiệp sẽ thực sự tạo thêm sức mạnh cho các cơ chế đặc thù.

Cuối cùng, an định dân sinh, phát huy tốt các nền tảng xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục, từ đó khai thác hữu hiệu nguồn nhân lực, dân trí địa phương, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện phát triển mạng lưới kinh doanh trong kinh tế tư nhân đô thị Buôn Ma Thuột, phát triển cơ hội làm ăn cho thị dân, nhất là nhóm cư dân đô thị mới theo các định dạng phát triển, quy hoạch các cụm đô thị mới Buôn Ma Thuột sẽ là phép toán đầu tư cần thiết để thay đổi tư duy, quan niệm phát triển đô thị cố hữu. Từ đó, định dạng một đô thị thương mại Buôn Ma Thuột hiện đại, văn minh, không tách rời các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường an cư bền vững, chắc chắn sẽ được thể hiện đầy đủ, để kết hợp các cơ chế đặc thù có được mà triển khai thành công.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.