Huyện Cư Kuin: Giải "bài toán" việc làm cho lao động hồi hương
Sau thời gian dài gián đoạn công việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại huyện Cư Kuin, nhiều lao động trở về từ các tỉnh thành phía Nam đã tìm được việc làm ổn định ngay tại chính quê nhà.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát gây biến động cả trong hoạt động kinh doanh lẫn nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Nhiều công ty phải tạm ngừng sản xuất, người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Thời điểm đó, ông Nguyễn Minh Trọng (huyện Cư Kuin), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư TMDV Nga Việt (kinh danh ngành nghề may mặc tại TP. Hồ Chí Minh) đã nhen nhóm ý định thành lập công ty may mặc tại chính quê nhà để tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ.
Nhiều lao động hồi hương về huyện Cư Kuin đã có việc làm ổn định sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. |
Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Công ty TNHH Nga Việt Đắk Lắk được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2022. Trong thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, công ty được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn trụ sở Trung tâm dạy nghề cũ của huyện để hoạt động, với quy mô 2 chuyền sản xuất, giải quyết việc làm cho 100 lao động tại chỗ.
Ông Nguyễn Minh Trọng cho biết, khi công ty đăng tin tuyển dụng, lao động có tay nghề trên địa bàn huyện đăng ký làm việc rất nhiều. Theo thống kê, số lao động này hiện chiếm hơn 50% nhân lực của công ty. Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, công ty đã áp dụng chính sách lương đang chi trả tại TP. Hồ Chí Minh cho lao động tại huyện Cư Kuin với mức từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Với công nhân đang trong thời gian học việc, công ty cũng hỗ trợ mức 3 triệu đồng/người/tháng.
“Công ty dự kiến sẽ nâng quy mô sản xuất lên 4 chuyền với 200 công nhân, từng bước xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại địa bàn. Về lâu dài, công ty sẽ đề xuất Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện được hỗ trợ khâu thực hành cho học viên của các lớp đào tạo nghề may mặc do huyện tổ chức. Đồng thời sẽ ưu tiên hỗ trợ tuyển dụng số học viên này, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sau khi kết thúc khóa học nghề”, ông Trọng cho biết thêm.
Công nhân tổ cắt đang làm việc tại Công ty TNHH Nga Việt Đắk Lắk (huyện Cư Kuin). |
Theo chị H’Nahun Byă (23 tuổi, xã Ea Bhốk), những năm trước, chị vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Nơi đất khách quê người, sau khi trừ tiền thuê nhà trọ và chi phí sinh hoạt khác, số tiền dành dụm lại không còn được là bao. Hơn hai năm rơi vào cảnh thất nghiệp, biết tin Công ty Nga Việt Đắk Lắk tuyển dụng công nhân may làm việc tại địa phương H’Nahun nộp hồ sơ và trúng tuyển. Là lao động có tay nghề nên mức lương thử việc của chị đang là 4,7 triệu đồng/tháng. “Mức lương này tương đương với công ty cũ lại không phải tốn kém các khoản chi phí khác. Điều kiện làm việc ở đây rất tốt, gần nhà, tiện cho việc chăm sóc, nuôi dạy con cái nên tôi không có ý định quay trở lại phía Nam, chỉ mong công ty ổn định sản xuất để được gắn kết lâu dài.”, chị H’Nahun chia sẻ.
Là lao động có kinh nghiệm lâu năm trở về địa phương nên hiện chị Nguyễn Thị Phương được công ty bố trí nhiệm vụ Tổ trưởng tổ chuyền 1. Tổ gồm gồm 44 người, trong đó có 13 lao động học việc, còn lại hầu hết là lao động đã có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở may mặc. Với chị Phương, mức lương cơ bản từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng khá ổn so với mặt bằng chung. Lao động làm việc 2 ca sáng – chiều, cơm trưa được công ty hỗ trợ. Công nhân được trả lương đúng hạn, cơ sở vật chất cũng được ban giám đốc công ty bảo đảm phục vụ cho quá trình lao động, giúp công nhân yên tâm làm việc.
Theo ông Ngô Tấn Lễ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin, giải quyết việc làm cho lao động hồi hương nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu cấp thiết được cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo các cấp ngành quan tâm giải quyết.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, toàn huyện có hơn 7.800 lao động trở về từ vùng dịch. Để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã cập nhật danh sách, theo dõi tình trạng việc làm của người lao động. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương; đã có 6.713 lao động quay lại các tỉnh, thành chủ yếu là phía Nam để làm việc, một số ít đi xuất khẩu lao động.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc