Trồng ớt chỉ thiên đem lại hiệu quả kinh tế cao
Đầu năm 2021, sau khi tìm được các đối tác liên kết sản xuất, anh Châu Ngọc Bình (SN 1974, ở TP. Hồ Chí Minh) đã tìm đến xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) thuê hơn 120 ha đất trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu.
Ớt chỉ thiên là cây trồng ngắn ngày, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Ea Kpam. Sau khi trồng khoảng 45 ngày tuổi, cây ớt đâm nụ, ra hoa, kết trái. Giai đoạn thu hoạch có thể kéo dài từ 60 - 90 ngày tùy vào thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây mà năng suất bình quân đạt từ 25 - 35 tấn/ha.
Trước khi trồng ớt, đất phải được cày xới tơi xốp, phơi từ 10 - 15 ngày và làm cỏ sạch, bón lót phân. Trong quá trình trồng ớt, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới nước và phòng bệnh cho cây. Đất trồng ớt phải tổ chức luân canh bởi nếu trồng 2 vụ liên tiếp trên cùng một diện tích thì năng suất sẽ giảm do sâu bệnh nhiều, cây sinh trưởng kém. Vì vậy, hiện tại anh Bình đã xen canh trồng 1 vụ bắp Mỹ và 1 vụ ớt. Hai loại cây trồng này đều phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… nên đầu ra và thu nhập ổn định.
Vườn ớt chỉ thiên của anh Châu Ngọc Bình tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. |
Toàn bộ diện tích trồng ớt được anh Bình lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nên rất thuận tiện trong quá trình chăm sóc, tưới nước, tưới phân. Ngoài ra, anh Bình còn sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc hoặc bón phân. Theo anh Bình, việc triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và sử dụng máy bay không người lái mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm nước, phân bón, nhân công; cây được tưới đủ nước, đủ độ ẩm thường xuyên nên phát triển tốt.
Mỗi ngày hái ớt thuê, chị H’Rức Mlô có thu nhập khoảng 200.000 đồng. |
Anh Châu Ngọc Bình, chủ vườn ớt ở xã Ea Kpam
|
Hơn 1 năm nay, mô hình trồng ớt chỉ thiên của anh Bình không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ và thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương. Đơn cử như gia đình chị Hiam Ajun (trú buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) không có nhiều vườn rẫy nên việc làm không thường xuyên, nguồn thu nhập không ổn định. Khi ở địa phương có mô hình trồng ớt quy mô lớn, cần nhiều lao động phổ thông, vợ chồng chị đã xin vào làm việc. “Từ khi được nhận vào làm việc, vợ chồng tôi được trả lương ổn định 9 triệu đồng/người/tháng. Tôi rất vui khi kiếm được việc làm ở gần nhà với mức thu nhập khá”, chị Hiam vui vẻ nói.
Tương tự, chị H’Rức Mlô (trú thôn 2, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) cũng hết sức phấn khởi khi tìm được việc làm thời vụ không quá xa, lại được bao ăn, bao ở nếu ở lại. Chị H’Rức trò chuyện, mùa này không vướng bận việc nương rẫy nên chị đến đây xin hái ớt thuê, với tiền công 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày, chị hái bình quân được khoảng 40 - 50 kg ớt, gia đình có thêm thu nhập nên thấy rất phấn khởi.
Chủ tịch UBND xã Ea Kpam Trần Anh Thái cho biết, từ khi có vườn ớt chỉ thiên của anh Bình, hàng trăm lao động địa phương đã có việc làm thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập tương đối khá. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp COVID-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, tiêu, cao su… giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân thì việc kiếm được việc làm ngay tại quê nhà với mức thu nhập khá như vậy là rất phấn khởi...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc