Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làm giàu của Y Noa Niê

08:27, 23/07/2022

Y Noa Niê (SN 1968), dân tộc Êđê, trú buôn Alê B, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Năm 1987, Y Noa được H’Win Hdơk "bắt chồng". Hai vợ chồng ở trong một chòi mái lợp tranh, vách nứa, rộng hơn 3 m2 của bố mẹ vợ cho. Những năm ấy đã đói khổ, hai vợ chồng lại có với nhau đến 5 đứa con. Gia đình Y Noa thuộc hộ nghèo, có rẫy, có ruộng nhưng không biết làm nên luôn đói khổ.

Rồi Y Noa tham gia vào Hội Nông dân của phường. Hội hỗ trợ cho một cái máy bơm, cho Y Noa tham dự các lớp tập huấn triển khai mô hình đa cây, đa con; được hướng dẫn kỹ thuật và tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi trong tỉnh. Y Noa cùng vợ cải tạo vườn nhà, áp dụng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC). Đất rẫy, ngoài trồng cà phê, ông còn trồng xen canh nhiều loại cây ngắn ngày, như bắp, cà, đậu, ớt, đu đủ… mùa nào cây ấy để bán có tiền "lấy ngắn nuôi dài".

Trong vườn nhà, Y Noa làm chuồng nuôi gà, vịt, ngan, đặc biệt là heo, bò giống. Bò, heo đẻ ra, Y Noa để lại nuôi hết, đến khi lớn bán có số tiền lớn. Ruộng nước thì Y Noa trồng lúa, rau màu quanh năm. Ao sau vườn thì ông thả cá. Máy bơm được hỗ trợ phục vụ cho tưới rẫy, tưới hoa màu, lúc rảnh ông kéo máy đi tưới thuê, mỗi mùa thu được 18 - 20 triệu đồng.

Y Noa (thứ hai từ trái sang) thu hoạch bắp.

Cuộc sống thay đổi, kinh tế khá lên từng ngày, Y Noa làm nhà sàn bằng gỗ thay cái chòi chật chội. Y Noa được bà con bầu làm tổ trưởng tổ thủy lợi; đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã Alê B; Chi hội trưởng Chi hội nông dân buôn. Công việc nào Y Noa cũng hoàn thành xuất sắc, năm nào cũng được khen thưởng. Năm 2003, Y Noa được bầu làm Trưởng buôn. Năm 2016, Y Noa xây dựng căn biệt thự hai tầng cho đến nay vẫn to nhất buôn.

Được hỏi về bí quyết làm giàu, Y Noa cười hiền lành và tiết lộ: “Thì nhờ chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; chọn giống vật nuôi là những giống cao sản, phát triển nhanh, hơn nữa mình có con trai học thú y về chăm sóc sức khỏe đàn gia súc nên ít bị dịch bệnh. Nhiều người cứ chạy đua theo cà phê, tiêu, điều, sầu riêng… nhưng rẫy mình tập trung trồng bắp biến đổi gen, ít sâu bệnh, năng suất cao mà cho thu hoạch quanh năm. Những năm gần đây mình còn ủ rượu cần, cung cấp khắp nơi trong nước. Thu nhập bình quân tất cả các khoản của gia đình từ 100 - 150 triệu đồng”. Một bí quyết mà ông Y Noa cho rằng không thể thiếu là “Phải chịu khó làm ăn. Có đất, có vườn rộng mấy chăng nữa, có được hỗ trợ vốn, hay kỹ thuật nhưng không chịu làm lụng thì không có gì đâu…”.

     Y Noa chăm sóc đàn bò.

Nói về ông Y Noa Niê, Chủ tịch UBND phường Ea Tam Nguyễn Đức Tưởng nhận xét: “Gia đình Y Noa là gia đình gương mẫu, gia đình văn hóa. Bản thân Y Noa là gương điển hình tiên tiến nhiều mặt; không những làm kinh tế giỏi, ông thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong buôn vốn, con giống và kỹ thuật để phát triển kinh tế. Ông có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng để xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc; giúp đỡ bà con trong buôn làm ăn phát triển kinh tế, khuyên nhủ bà con không nghe lời kẻ xấu xúi giục…”.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.