Đô thị thông minh: Cần điều chỉnh cân bằng nhu cầu của thị dân
“Người dân sống hạnh phúc” là tiêu chí quan trọng nhất mà Tập đoàn công nghệ IBM đưa ra khi triển khai mô hình các thành phố thông minh trên toàn thế giới hồi cuối thế kỷ 20; từ đó lan tỏa khái niệm xây dựng các đô thị thông minh hơn ở từng quốc gia như hiện nay.
Theo đó, một đô thị thông minh không phải là nơi có thể áp dụng được bao nhiêu thành tựu công nghệ, số hóa… mà cần phải giải quyết, cân bằng được nhu cầu đời sống thực tế của thị dân!
Việc đặt vấn đề này sẽ giúp các đô thị Việt Nam hiện nay chủ động đánh giá lại đúng mức, đúng tầm đầu tư, phát triển chiến lược đô thị hóa của mình. Những khái niệm hoa mỹ, phô trương bề ngoài cần được căn chỉnh để các mô hình “thành phố thông minh” được xác lập đúng hơn.
Hạ tầng phục vụ dân sinh…
Một chiến lược gia về quy hoạch đô thị từng nhận xét, việc đầu tư phát triển các đô thị cần lưu ý, mục tiêu quy hoạch hạ tầng là để phục vụ dân sinh chứ không phải dốc sức làm hạ tầng để đảo ngược “dân sinh phục vụ hạ tầng”.
Đây là góc nhìn cần thiết, tránh cho các đô thị khỏi bị lãng phí đầu tư công và gây ra những hệ lụy không cần thiết, khi khoảng cách chênh lệch giữa “trình độ” hạ tầng và kiến thức dân sinh là khá xa. Đơn giản là những giải pháp đầu tư cho hạ tầng đô thị thông minh không nên vượt quá xa nhu cầu, hiểu biết của người dân, mà phải vừa làm tăng nhu cầu, vừa thiết thực phục vụ được ngay hiện trạng sinh hoạt, làm ăn của các thị dân.
Phát triển đô thị thông minh cần chú ý đến cân bằng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân. |
Lấy ví dụ, đã một thời kỳ, các đô thị Việt Nam đua nhau lắp đặt các buồng điện thoại dùng thẻ trên đường phố nhằm mang lại tiện ích liên lạc cho người dân. Nhưng vì đa số người dân chưa quen dịch vụ thanh toán qua thẻ, không có nhu cầu liên lạc điện thoại hữu tuyến như vậy nên việc đầu tư thất bại. Trong khi đó, bởi nhu cầu liên lạc tăng, thói quen tiêu dùng thay đổi, người dân hiện tại tự mua điện thoại thông minh, không cần ai đầu tư hệ thống máy điện thoại này nữa. Các nhà đầu tư chỉ cần tập trung vào nâng cao chất lượng hệ thống mạng viễn thông, các dịch vụ cung cấp là được.
Với cách đặt vấn đề này, người ta có thể nhận ra, những dự án đầu tư hạ tầng đô thị nào là hợp lý, cần thiết, đúng mức và có tầm nhìn phát triển; ngược lại những dự án nào là hạn hẹp hoặc… viển vông. Đòi hỏi của những nhà quy hoạch chiến lược, đặc biệt về hạ tầng giao thông, kiến trúc, viễn thông là phải có tầm nhìn xa, tiên liệu được các xu hướng nhu cầu phát triển, để kiến tạo nên những mô hình phù hợp. Song những ý tưởng đó cần xác thực, gần gũi với thị dân, từng bước tiếp cận, thay đổi dần nhận thức cư dân mới không trở thành những gánh nặng chi phí với người dân.
Hai mảng nhu cầu thiết thực
Thực tế cho thấy, hơn 10 năm qua, tốc độ phát triển các đô thị mới ở Việt Nam rất nhanh chóng. Nhiều thành phố mới mọc lên, nhiều thị trấn, thị tứ nâng tầm lên thị xã hoặc thành phố tỉnh lỵ. Diện tích đô thị tăng trưởng liên tục, với nhiều khu, cụm đô thị mới hình thành, hiện đại, quy củ hơn. Hạ tầng các đô thị theo đó được cải thiện. Các dạng nhu cầu mới nảy sinh liên tục, đặc biệt về hạ tầng giao thông nội thị, liên vùng, các loại hình phương tiện giao thông mới. Hạ tầng kiến trúc cũng đổi mới không ngừng, với những công trình to đẹp, lộng lẫy, đa năng hơn, chất lượng vật liệu đa dạng và cao cấp… Tất cả đặt ra bài toán quy hoạch phải thật sự hợp lý, đúng tầm với đời sống, kiến thức người dân đô thị, đáp ứng tốt, cân bằng các nhu cầu của họ, chứ không phải làm tăng áp lực trong sinh hoạt của người dân.
Đối với một đô thị đang trên đà tăng tốc phát triển như TP. Buôn Ma Thuột, khi đối chiếu bài toán đầu tư hạ tầng đô thị, thực sự cần các nhà tư vấn chiến lược và tham gia quy hoạch phải suy nghĩ. Những câu hỏi về thực trạng bất cập dần về hạ tầng giao thông, đường sá nội thị xuống cấp, chật hẹp, tắt nghẽn giao thông…; hệ thống các chuỗi cung ứng tiện ích sinh hoạt cho người dân từ viễn thông, thương mại, tài chính, đến y tế, giáo dục…; các vấn đề quản lý trật tự hành chính xã hội… đang phải tiếp tục được đặt ra.
Trong đó, theo các nhà tư vấn, có hai mảng đầu tư thiết thực cần được giải quyết ở đô thị này. Đó là nhu cầu thực phẩm và nhu cầu năng lượng, đều có liên quan đến sách lược phát triển các mảng kinh tế, xã hội địa phương. Bởi lẽ về nội tại, kinh tế đầu tư của Buôn Ma Thuột vẫn gắn liền sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nhưng thu nhập thị dân lại chưa ổn định bởi hạ tầng phục vụ chưa tốt. Hệ thống kho bãi kém, vận chuyển lạc hậu, giải pháp thanh toán chưa đồng bộ, mặt bằng thương mại thiếu hiện đại… cho thấy hiện trạng hạ tầng đô thị còn có vấn đề. Hệ lụy “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là câu chuyện thường xuyên xảy ra với kinh doanh nông sản của người dân ở đây. Do đó, đầu tư tốt vào các giải pháp logistics, kho vận, thanh toán, các tiện ích dịch vụ đô thị thông minh hơn là hướng đi rất cần thiết cho thị dân Buôn Ma Thuột.
Tương tự, vấn đề năng lượng tại địa phương, từ chiếu sáng đô thị, sinh hoạt đến điện năng phục vụ sản xuất, xăng xe vận tải… đang là bài toán cam go với người dân địa phương. Vậy đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sao cho hiệu quả, hình thành những hệ sinh thái tiêu dùng năng lượng thông minh hơn, là bài toán nên nghiên cứu giúp đô thị Buôn Ma Thuột thay đổi tốt hơn.
Rõ ràng khi đầu tư vào hai mảng này, đời sống thị dân Buôn Ma Thuột sẽ được đảm bảo hơn, có thể cân bằng được nguồn thực phẩm tại chỗ, phát triển kinh doanh mở rộng, lại đáp ứng tốt các yêu cầu hiện đại trong đời sống, dùng nhiều năng lượng hơn. Tầm nhìn của một đô thị thông minh hơn, theo đó sẽ trải mở thiết thực với người dân địa phương, chứ không đơn giản chỉ là những số liệu, giải pháp đổi mới công nghệ, số hóa, những phong trào làm mới dịch vụ công, thủ tục hành chính như đang diễn ra ở nhiều đô thị.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc