Multimedia Đọc Báo in

“Ngày hội” của sản vật địa phương

06:17, 11/07/2022

Với thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, Đắk Lắk có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều địa phương trong tỉnh phù hợp với trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao như cà phê, mắc ca, ca cao, gạo, sầu riêng, bơ, bưởi...

Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2022 diễn ra từ ngày 7 đến 13/7 tạo thêm cơ hội đưa sản vật của Đắk Lắk đến với đông đảo người tiêu dùng.

Cơ hội quảng bá những sản vật địa phương

Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2022 khai mạc sáng 7/7 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột) hội tụ nhiều loại sản vật đặc trưng tiêu biểu, chất lượng của địa phương. Tuần lễ có sự tham gia của 60 gian hàng đến từ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của 7 tỉnh thành: Lào Cai, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông và An Giang.

Hợp tác xã Bơ Đại Hùng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm bơ Đắk Lắk tại Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh nhìn nhận, đây là cơ hội để những sản phẩm chất lượng tiêu biểu, mang đặc trưng vùng miền của tỉnh được trực tiếp giới thiệu đến khách hàng, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Đặng Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, HTX hiện có 6 giống bơ như Cuba, Hồng Ngọc, 034, bơ Booth... cho thu hoạch quanh năm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem trên sản phẩm. HTX đã xây dựng được chuỗi phân phối với 30 cửa hàng, đại lý trong cả nước. Đây là dịp để HTX tiếp thị, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để tăng giá trị cho trái bơ Đắk Lắk.

Trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, dồi dào, nhiều hộ kinh doanh còn đầu tư chế biến thành phẩm nhiều sản phẩm có chất lượng. Cơ sở tinh bột nghệ Kim Luyến (huyện Cư M’gar) mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 3 tấn tinh bột nghệ. Chị Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở cho hay, bình quân mỗi tháng, cơ sở thu mua 150 tấn nghệ tươi để sản xuất, chế biến. Sản phẩm đạt Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt OCOP 3 sao của tỉnh. Chị mong muốn gắn kết giao thương, tạo cơ hội để sản phẩm của cơ sở được biết đến ngày một rộng rãi trên thị trường, qua đó nâng cao giá trị loại nông sản được trồng trên đất Cư M’gar này.

Khẳng định uy tín, hướng đến xuất khẩu

Mỗi sản vật tham gia trưng bày trong dịp này là một câu chuyện về cách làm nông nghiệp hướng đến nông sản an toàn, nông nghiệp bền vững. Mỗi địa phương đều có những gian hàng với những sản phẩm được chứng nhận OCOP, an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện tiềm năng, thế mạnh và dấu ấn đặc trưng của địa phương mình. Có thể kể đến như HTX Nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu đặc sản phở khô, miến khô Chi Lăng; Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng) mang đến sản phẩm hạt mắc ca cao cấp, sôcôla; HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) có đặc sản gạo sạch Thăng Bình; HTX Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu bơ đặc sản Đắk Lắk...

Khách tham quan, tìm hiểu gian hàng sản phẩm đặc trưng của Hội Nông dân huyện Cư M'gar.

Trên cơ sở làm ra những sản phẩm bước đầu bảo đảm những tiêu chí về nguyên liệu, chất lượng, nhiều HTX, hộ kinh doanh kỳ vọng hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) chia sẻ, HTX sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng sản phẩm chủ lực là gạo sạch, chất lượng cao, được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm gạo đang đăng ký bao bì sản phẩm với nhãn hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB", đang hoàn thành tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng và từng bước quản lý chặt từ khâu sản xuất đến chế biến. HTX đang rất cần sự hỗ trợ đầu tư về công nghệ chế biến để đạt tiêu chuẩn và bảo đảm công suất xuất khẩu, đồng thời tiếp cận với các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu trực tiếp, không phải qua trung gian. 

Tương tự, HTX Nông nghiệp Anh Nguyên (huyện Krông Năng) trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê bột, rượu từ vỏ cà phê, hạt mắc ca, hạt sachi. Bà Phạm Thị Hoàng Phi, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX có trồng 1 ha cà phê hữu cơ tự nhiên, quá trình canh tác chỉ sử dụng phân bón được ủ từ bã hạt sachi và vỏ hạt mắc ca. Diện tích này mỗi năm cho thu hoạch 1,5 tấn cà phê sạch, giá bán thành phẩm 500.000 đồng/kg cà phê bột, cao gấp nhiều lần so với cà phê thông thường. Bà kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu để sản phẩm này được vươn xa và nâng cao giá trị kinh tế. “Năng lực sản xuất có sẵn, tư duy canh tác của thành viên HTX cũng đã thay đổi tích cực, nếu được sự hỗ trợ, kết nối thì được kỳ vọng đây sẽ là điểm nhấn để xuất khẩu, mở rộng diện tích canh tác ở HTX nói riêng và địa bàn huyện nói chung”, bà Phi nói.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.