Multimedia Đọc Báo in

Người chăn nuôi vịt ở Krông Ana gặp khó

08:24, 12/07/2022

Tận dụng địa hình có lợi thế gần sông nước, đồng ruộng, nhiều năm nay người dân huyện Krông Ana đã làm giàu từ nghề chăn nuôi vịt. Thế nhưng, hai năm gần đây, giá cám tăng cao, người chăn nuôi vịt lâm vào tình cảnh khó khăn.

Từ năm 1994, ông Hán Vinh Hà (trú thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) quê tỉnh Phú Thọ trong một chuyến đi chơi vào địa phương, nhận thấy nơi đây có địa hình gần sông nước, ruộng đồng rộng lớn rất phù hợp để phát triển kinh tế. Vì vậy, ông quyết định đưa vợ con vào thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa mua đất lập nghiệp.

Sau hai năm làm thuê, trồng trọt, năm 1996 ông quyết định xây dựng trang trại chăn nuôi vịt. Thời gian đầu chưa quen với nghề, cũng không ai chỉ dạy nên đàn vịt bị bệnh chết, thua lỗ liên tục. Chưa ổn định được trang trại nuôi thì đến năm 2000, một cơn lũ lớn đã cuốn trôi gần 3.000 vịt đẻ khiến ông rơi vào cảnh trắng tay. Mặc dù vậy, ông không nản lòng, quyết định vay mượn thêm tiền bạc, mày mò, học hỏi cách làm lò ấp để bán trứng vịt lộn và gây dựng thêm đàn mới.

Ban đầu, ông Hà chỉ nuôi dưới 1.000 con vịt nhưng có thời điểm đàn vịt lên đến 10.000 – 20.000 con, lò ấp trứng của ông luôn chạy hết công suất để đáp ứng đủ số lượng cho thương lái thu mua. Kể từ đó, nghề nuôi vịt đã giúp ông khấm khá trong hơn 10 năm nay.

Trước kia lò ấp trứng vịt của gia đình ông Hán Vinh Hà (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) có 8 lò ấp, nay giảm đàn vịt nên chỉ duy trì được 2 lò ấp.

Tuy nhiên, hai năm gần đây, ông không còn mặn mà với việc chăn nuôi vịt. Bởi theo ông, trước đây đồng ruộng bát ngát, còn bây giờ, người dân gieo sạ một năm 2 vụ lúa nên không có đồng thả, thêm vào đó chi phí thuê nhân công cao, bình quân chi phí cho mỗi người chăn thả vịt khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, giá cám lại tăng liên tục khiến ông rơi vào cảnh chật vật. Hàng chục nghìn con vịt đẻ mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn cám, ông không biết xoay xở đâu để chi trả hết. Do đó, ông đành phải cắt giảm đàn xuống còn 1.000 con vịt để gia đình tự túc nuôi, không tốn chi phí thuê nhân công và hạn chế thua lỗ. “Mặc dù chỉ duy trì ở số lượng 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày lò ấp khoảng 2.000 - 3.000 trứng, nhưng gia đình tôi cũng chỉ huề vốn chứ không có lãi”, ông Hà cho hay.

Từ năm 2004, gia đình ông Đặng Văn Thiên (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) cũng từ Hà Nội vào mua 3 sào đất cạnh sông, hồ để nuôi vịt thương phẩm và vịt đẻ trứng. Các năm trước, trên diện tích đất này, gia đình ông nuôi từ 2.000 - 3.000 con vịt. Tuy nhiên, hiện nay giá cám tăng lên nhiều lần so với trước, cộng thêm việc phát sinh nhiều dịch bệnh nên ông chỉ dám nuôi khoảng 1.000 vịt thương phẩm lẫn vịt đẻ trứng. Bởi, theo ông tính toán, trung bình mỗi ngày vịt đẻ 400 trứng nhưng ăn hết hai bao cám, mỗi bao trước kia chỉ từ 300 - 350 nghìn đồng nay đã lên đến hơn 400 nghìn đồng. Trong khi đó, giá trứng chỉ dao động từ 2.500 - 2.700 đồng/quả.

Như vậy, số trứng bán ra chỉ được hơn 1 triệu đồng/ngày trong khi tiền cám đã hơn 900 nghìn đồng/ngày. Trừ đi chi phí tiền điện thắp sáng mỗi đêm cho vịt đẻ, bơm nước sạch tắm, thuốc phòng chữa bệnh... thì chỉ có lỗ chứ không có lãi. “Gia đình tôi chỉ dựa vào việc chăn nuôi vịt để sinh sống nhưng với tình hình hiện tại thì như ngồi trên đống lửa, nuôi thêm thì lỗ mà giảm đàn, bỏ nuôi thì không biết lấy gì sinh sống...”, ông Thiên than thở.

Đàn vịt thương phẩm của gia đình ông Đặng Văn Thiên (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) đã giảm một nửa so với những năm trước.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bđáp cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 28 hộ chăn nuôi vịt (trang trại lớn trên 1.000 con) với khoảng hơn 50.000 con (vịt con và vịt thịt), chủ yếu được nuôi tại địa bàn thị trấn Buôn Trấp và các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Ea Bông, Ea Na...

Việc kinh doanh của các hộ chủ yếu là bán vịt con, vịt thịt, trứng theo hình thức nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, khi giá cả thức ăn chăn nuôi, giá nhân công tăng sẽ dẫn đến thua lỗ, bấp bênh. Trước thực trạng trên, Hội khuyến cáo các chủ hộ chăn nuôi cần tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng thức ăn cho vật nuôi.

Đồng thời, sắp xếp lại phương thức tổ chức sản xuất, nên tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội sản xuất chăn nuôi để mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, không phải mua qua khâu trung gian tại các đại lý để giảm chi phí và kết nối tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng.

Ngoài ra, cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi… để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.

Minh Chi - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.