Sầu riêng Đắk Lắk trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thay đổi để vươn xa (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Xây dựng lộ trình bền vững cho loại trái cây “vua”
Đắk Lắk đã có một quá trình chuẩn bị khá kỹ cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, để khai thác tốt các thị trường nước ngoài, nhất là thị trường tiềm năng Trung Quốc, Đắk Lắk cần có sự chuẩn bị dài hơi hơn.
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Đắk Lắk, sầu riêng vẫn là loại trái cây có đầu ra ổn định và có giá trị kinh tế cao nên diện tích canh tác mở rộng liên tục thời gian qua. Tuy việc tiêu thụ khá dễ dàng nhưng Đắk Lắk cũng đã sớm chú trọng xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, người tiêu dùng bây giờ không còn chuộng các sản phẩm "ngon, bổ, rẻ" mà họ đã quan tâm hơn đến những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có thương hiệu riêng. Việc nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc được công nhận là thuận lợi lớn cho huyện Krông Pắc nói riêng và người trồng sầu riêng của tỉnh nói chung. Đây là thành công bước đầu và là hướng đi đúng đắn trong quá trình phát triển sản phẩm sầu riêng để vươn ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là việc phát triển và quảng bá được thương hiệu để đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến thì mới phát huy được giá trị của thương hiệu. Để làm được những việc đó, ngoài sự hướng dẫn, phối hợp của các sở, ngành của tỉnh thì UBND huyện Krông Pắc cần có kế hoạch chỉ đạo cụ thể về vấn đề pháp lý, tuân thủ các yêu cầu, quy định khi sử dụng nhãn hiệu này và có trách nhiệm chung trong việc phát triển thương hiệu ngày càng chất lượng hơn; đồng thời, có giải pháp bảo vệ nhãn hiệu, tránh bị làm nhái, làm giả ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu
Khuyến nông viên xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) hướng dẫn người dân về cấp mã vùng trồng. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, tháng 3/2022, sầu riêng Krông Pắc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc”. Ngay sau đó, huyện đã hoàn thiện các văn bản liên quan đến quản lý, kế hoạch dài hạn phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Krông Pắc”. Đồng thời, tập trung liên kết nông dân để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao, hình thành được những vùng chuyên canh về sầu riêng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại để tăng sự nhận diện thương hiệu sản phẩm…
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, huyện sẽ tận dụng tốt cơ hội mở ra từ việc sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch. Huyện đã tuyên truyền người dân đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng, để khi xuất khẩu chính ngạch thì phải đảm bảo yêu cầu của phía nhập khẩu.
Và trong thời gian qua, huyện cũng đã tích cực xây dựng các tiêu chuẩn, như tiêu chuẩn VietGAP, rồi hướng bà con cách trồng hữu cơ. Đặc biệt, Đề án tổ chức Lễ hội sầu riêng năm 2022 sẽ là hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” và khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc”.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thương hiệu chính là một lợi thế để nâng cao giá trị sản phẩm. Thực tế cho thấy, ở thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng Thái Lan được bán cao hơn Việt Nam khá nhiều. Không phải sầu riêng Thái Lan ngon hơn sầu riêng Việt Nam mà bởi vì họ có thương hiệu, chất lượng đồng đều. Do đó, Đắk Lắk cần sử dụng và phát triển thương hiệu sầu riêng một cách hiệu quả từ khâu sản xuất đến thương mại sản phẩm để nâng cao giá trị cũng như thương hiệu sầu riêng nơi này.
Thúc đẩy liên kết chuỗi
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Lắk hiện đứng thứ hai trong cả nước về diện tích và đang có nhiều dư địa để vươn lên dẫn đầu về diện tích lẫn sản lượng sầu riêng. Đặc biệt năm 2021, tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ.
Hiện ngành nông nghiệp đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để chuẩn bị một đề án thật tốt, trong đó chú trọng đến việc liên kết nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học và ứng dụng số hóa trong các khâu để xây dựng ngành hàng sầu riêng bài bản, hướng đến phát triển bền vững, đưa sản phẩm sầu riêng tiến xa trên thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Kho chứa sầu riêng tại huyện Krông Pắc của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn. |
Trong xu hướng đó, cũng như nắm bắt được những yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đã và đang xây dựng các liên kết chuỗi sầu riêng để tổ chức lại sản xuất đáp ứng các yêu cầu mà thị trường nhập khẩu đặt ra.
Nhằm giúp những hộ dân có diện tích nhỏ đủ điều kiện cấp mã vùng trồng, bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Tấn Khang (huyện Cư M’gar) đã đứng ra thành lập hợp tác xã để liên kết 400 hộ dân, với diện tích hơn 500 ha trồng sầu riêng. Hiện hợp tác xã đã phân công các tổ sản xuất hỗ trợ bà con về kỹ thuật cũng như hoàn tất các hồ sơ để cấp mã vùng trồng. Các thành viên có kỷ luật, sản xuất theo một quy trình chuẩn nhằm đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc.
Huyện Krông Năng cũng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng khá lớn, với trên 4.100 ha, chủ yếu trồng xen, trong đó diện tích đã cho sản phẩm là 1.590 ha, sản lượng ước đạt 11.000 tấn quả tươi. Trong thời gian qua, huyện đã tiến hành tuyên truyền đến nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh về tăng cường liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm cây ăn trái chủ lực của địa phương: sầu riêng, bơ, mắc ca, vải và các loại cây có múi.
Riêng đối với trái sầu riêng, huyện đã kêu gọi các công ty đóng gói, xuất nhập khẩu liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương. Hiện đã có một số công ty xuất nhập khẩu liên hệ làm việc với các hợp tác xã, hộ sản xuất để triển khai những thủ tục liên kết, xây dựng mã vùng trồng, chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương cho biết, Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn của cả nước, góp phần quan trọng trong việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển sầu riêng ở Đắk Lắk vẫn nhiều hạn chế, như: quy mô sản xuất manh mún, trồng nhiều giống khác nhau, quy trình sản xuất khác nhau, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Chính vì vậy, đẩy mạnh liên kết sản xuất là một giải pháp hiệu quả để khắc phục những hạn chế trên. Ngành nông nghiệp đang tranh thủ các chính sách của Trung ương để đề ra những giải pháp đồng bộ, kịp thời từ tỉnh đến huyện nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sầu riêng từ khâu sản xuất; tiếp tục tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng ra thị trường nước ngoài.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, muốn cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ phải nỗ lực xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng. Đến nay, Krông Pắc là huyện đi đầu trong xây dựng thương hiệu của địa phương và tỉnh cũng đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu sầu riêng của Đắk Lắk. Sở NN-PTNT cũng đã có chương trình chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh trồng sầu riêng để xây dựng thương hiệu sầu riêng quốc gia. |
Minh Khánh Thùy
Ý kiến bạn đọc