Thi công dự án điện gió: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân
Khi doanh nghiệp đến đầu tư dự án điện gió, các cấp chính quyền và người dân huyện Krông Búk đã tạo điều kiện thuận lợi để công trình hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã phát sinh những bất cập, gây thiệt hại đến tài sản người dân, mà chủ đầu tư lại không quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Quyền lợi của người dân bị xâm hại
Ông Phạm Văn Châu (thôn Kty 1, xã Chư Kbô) cho biết, gia đình ông có 1,1 ha rẫy ở địa bàn thôn Kty 3 hiện đang canh tác cà phê xen sầu riêng, tiêu và bơ. Đầu năm 2022, Công ty điện gió bắt đầu thi công trụ số A14, đồng thời múc đất sát ranh giới rẫy của ông với độ sâu khoảng 3 m. Mặc dù trước mắt có ảnh hưởng đến việc sản xuất nhưng ông vẫn tạo điều kiện, vì đơn vị thi công cam kết sau khi hoàn thành chân đế trụ sẽ lấp đất trả lại mặt bằng, không gây sụt lún cho rẫy.
Điều đáng lo ngại là sau khi trụ điện gió được lắp đặt xong và đi vào hoạt động thì phạm vi của cánh quạt sẽ xâm phạm phần đất của người dân, chưa kể các mức độ ảnh hưởng đến việc sản xuất cây trồng. Bị ảnh hưởng trong phạm vi hoạt động của cánh quạt điện gió A14 còn có rẫy của gia đình ông Phạm Văn Bình và Nguyễn Xuân Trường. Tuy nhiên, đến nay đơn vị đầu tư vẫn chưa có động thái gì trao đổi, thỏa thuận hỗ trợ, bồi thường cho người dân.
Người dân phản ánh quá trình xây dựng trụ điện gió A14 tại xã Chư Kbô gây ảnh hưởng đến cây trồng. |
Chung cảnh ngộ trên, nhiều hộ dân có rẫy quanh các trụ điện gió A11, A12, A13 cũng chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc thu hồi đất hay bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất nằm trong phạm vi hoạt động của cánh quạt tua bin. Nhiều người còn bức xức vì quá trình thi công đường để vận chuyển máy móc, vật liệu vào các trụ điện gió đã khiến đất đá tràn lấp cả cây trồng trong rẫy mà không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Theo ông Nguyễn Xuân Trường (thôn Kty 2, xã Chư Kbô), đất đá từ công trình làm đường vào trụ điện gió không chỉ làm lấp đường đi vào rẫy mà đơn vị thi công còn tự ý nhổ một số trụ tiêu trong rẫy, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông. Khi người dân ra nói chuyện thì lại nảy sinh mâu thuẫn, xô xát.
Bức xúc trước thực tế nêu trên, người dân huyện Krông Búk đã gửi đơn kiến nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh và huyện sớm vào cuộc giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi cụ thể. Theo phản ánh của các hộ dân liên quan, nếu cơ quan chức năng không sớm giải quyết, khi đơn vị thi công hoàn thiện và bàn giao công trình thì mọi thứ sẽ rơi vào tình trạng “chuyện đã rồi”. Khi đó chủ dự án sẽ né tránh luôn việc bồi thường, hỗ trợ người dân theo quy định của pháp luật.
Cần có biện pháp giải quyết dứt điểm
Tại Khoản 2 Điều 175 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…”. Theo Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ “sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Đất đá tại công trình thi công trụ điện gió tràn xuống rẫy của người dân. |
Như vậy, trong trường hợp kể trên, chủ đầu tư thuê đất để xây dựng các trụ điện gió bắt buộc phải có nghĩa vụ sử dụng đất theo đúng ranh giới. Nếu muốn sử dụng không gian phía trên thuộc quyền sử dụng đất của người dân thì phải có sự thỏa thuận để xác lập quyền bề mặt. Nếu chủ đầu tư không có sự thỏa thuận để thuê quyền bề mặt của người dân và gây thiệt hại thì đây là hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác và bắt buộc phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Từ thực tế cho thấy giới hạn chiều dài cánh quạt là hàng chục mét tính từ tim cột tua bin, nhưng diện tích đất thực tế mà chủ đầu tư công trình điện gió ở huyện Krông Búk bồi thường chỉ vỏn vẹn trong phạm vi thi công phần đế trụ là bất hợp lý. Quá trình thẩm duyệt hồ sơ, cũng như thực hiện giao đất tại các vị trí cột tua bin còn chưa sát với tình hình thực tế. Từ đó, nhiều hộ dân có đất nằm trong phạm vi hoạt động của cánh quạt tua bin điện gió bức xúc vì quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Búk, hiện nay huyện có 4 doanh nghiệp đang đầu tư công trình điện gió. Từ khi các dự án điện gió được triển khai trên địa bàn, ngành chức năng huyện đã nhận được nhiều đơn, thư phản ánh, kiến nghị liên quan. Nội dung chủ yếu về: Quyền sử dụng đất trong phạm vi hoạt động của cánh quạt điện gió; các thiệt hại mà quá trình thi công công trình điện gió gây ra như: xe vận chuyển vật liệu gây bụi, tiếng ồn, việc múc đất lấp cây trồng của các hộ, gây nứt một số nhà dân... Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã xác minh giải quyết được 77 đơn thư của người dân liên quan đến công trình điện gió (trong đó có nhiều đơn thư do các cấp, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến).
Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho hay, khi phát sinh khiếu nại liên quan đến các công trình điện gió trên địa bàn, UBND huyện đã thành lập tổ giải quyết đơn thư do Chánh thanh tra huyện làm tổ trưởng, phối hợp chủ đầu tư xác minh, giải quyết. Cơ bản các vụ việc được giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và không tiếp tục khiếu nại… Các công trình trụ điện gió A11, A12, A13 và A14 nằm trên địa bàn xã Cư Kbô và Cư Pơng là do Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng mới Krông Búk làm chủ đầu tư. Liên quan đến khiếu nại của người dân đối với các công trình này, huyện Krông Búk sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát thực tế, làm việc với chủ đầu tư để xử lý theo quy định.
Trước những bất cập phát sinh từ các công trình điện gió gây bức xúc cho người dân, đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện Krông Búk cần sớm có những hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm, kể cả phải buộc dừng thi công để hoàn thiện đúng các quy định của pháp luật, không để tình trạng người dân và chính quyền phải chạy theo yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật như hiện nay.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc