“Trợ lực” thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa
Hơn 100 doanh nghiệp cung cấp, thu mua nông sản tham dự Hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” vừa được Sở Công thương Đắk Lắk phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức.
Đây là “cầu nối” để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thế mạnh địa phương, mở đường cho hoạt động xuất khẩu, giúp phát triển sản xuất bền vững.
"Cầu nối" giao thương
Lần đầu tiên sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương Đắk Lắk tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tiếp giữa nhà cung cấp trong khu vực với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại trong cả nước. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, hội nghị diễn ra cùng với thời điểm thu hoạch các loại nông sản của địa phương, nhất là sầu riêng, mặt hàng có triển vọng lớn để xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao. Qua đó, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, nhà xuất khẩu có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy hợp tác. Sau hội nghị, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều tín hiệu lạc quan hơn cho hoạt động xuất khẩu nông sản địa phương.
Doanh nghiệp, nhà phân phối tham gia tìm hiểu thông tin tại Hội nghị "Kết nối giao thuơng giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”. |
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, là đơn vị chuyên gia công nông sản xuất khẩu nhưng công ty của bà vẫn gặp khó ở khâu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Hội nghị là cơ hội tốt để đơn vị tìm kiếm, gặp gỡ, kết nối đối tác nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu có xuất xứ, bảo đảm chất lượng cung cấp cho thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, đối tác, Ban tổ chức đã bố trí các bàn kết nối giao thương cho các đơn vị, doanh nghiệp thu mua nông sản bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống nông sản sạch trên toàn quốc; các hệ thống siêu thị và chuỗi nông sản an toàn như BigC, Bách hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market, Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc... Ngoài ra, hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của các sàn thương mại điện tử Alibaba, Voso, Tiki, Felix..., các đơn vị chuyển đổi số, dịch vụ logistics. Điều này đã góp phần thúc đẩy hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá hàng hóa, sản phẩm địa phương, tạo cơ hội để doanh nghiệp, các địa phương mở rộng kênh phân phối, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm của mình. Trong khuôn khổ chương trình, nhu cầu kết nối sản phẩm - dịch vụ đã nảy sinh. Trong số 59 biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương đã được ký kết, có những hợp tác tiêu biểu như: biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH GonHa (kinh doanh xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh) với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh với Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên; Siêu thị MM Mega Market Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk với Công ty TNHH Yến sào Tây Nguyên Đắk Lắk...
Nâng “chất” để tăng giá trị xuất khẩu
Chính sách xúc tiến thương mại nông sản chính là “cầu nối” doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa nông dân với thị trường. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, xuất khẩu nông sản đang chịu áp lực cạnh tranh lớn. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, việc hỗ trợ các ngành hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề cấp bách, “sống còn” và tiên quyết của ngành nông nghiệp. Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc thương mại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk chia sẻ, thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các chính sách quản lý nông sản, rào cản kỹ thuật với nông sản thực phẩm của thị trường này hiện đã khắt khe hơn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn, tuân thủ quy trình theo chuẩn quốc tế thì không chỉ yêu cầu nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động, phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng "chất" cho sản phẩm hàng hóa của mình.
Người tiêu dùng tìm hiểu bơ Đắk Lắk tại Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2022. |
Liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực biên giới, ông Hà Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai thông tin, phía Trung Quốc quản lý chặt chẽ đối với nhập khẩu hàng nông sản của địa phương, như: tăng cường truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu, thông tin nhà vườn, mã vùng trồng, mã xưởng đóng gói, bao bì hàng hóa phải có tem nhãn, kiểm soát chặt chủng loại nông sản nhập khẩu theo hình thức biên mậu... Do đó, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục chú trọng phối hợp thông tin tới các địa phương có vùng trồng trọng điểm, chỉ đạo điều tiết lượng hàng hóa khi vào vụ thu hoạch đưa lên cửa khẩu để tránh ùn ứ, bị ép giá. Đồng thời, thông báo cho thương nhân chủ động phân loại, đóng gói bao bì, phân định rõ ràng chất lượng, chủng loại nông sản phù hợp với thị trường trong từng thời điểm...
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần Dũng Thái Sơn (huyện Krông Pắc) đánh giá cao chất lượng cùng quy mô vùng nguyên liệu mặt hàng sầu riêng của Đắk Lắk. Năm 2021, riêng tại huyện Krông Pắc, công ty đã thu mua hơn 30.000 tấn. Vụ năm nay, dự kiến năng lực cung cấp nông sản xuất khẩu chính ngạch đạt khoảng 1.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với đơn vị trong việc xuất khẩu chính ngạch hiện tại là xây dựng hồ sơ vùng nguyên liệu để cấp mã số vùng trồng theo quy định của nước nhập khẩu. Trong khi đó, đa số nông dân trên địa bàn đang sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không theo quy trình tiêu chuẩn. Do đó, cần sự "dẫn dắt" cụ thể, quyết liệt hơn từ phía địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người trồng để tham gia xuất khẩu nông sản.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc