Bia Sài Gòn: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt
Hơn 16 năm góp mặt trên thị trường, Nhà máy bia Sài Gòn – Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung đã có những bước phát triển không ngừng.
Đến nay, nhà máy đã đạt công suất trên 100 triệu lít/năm, ngoài bia Sài Gòn là sản phẩm chính thì nhà máy hiện đang sản xuất nhiều loại đồ uống khác như bia tươi, nước đóng chai, rượu, sữa gạo lứt, sữa bắp… và tổ chức hệ thống phân phối đến tận vùng sâu, vùng xa, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Giai đoạn 2019 - 2021, tình hình kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể, giá cả vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tăng, nhiều sản phẩm bia ngoại nhập vào trong nước tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng bia, tin đồn thất thiệt “Bia Sài Gòn bán cho Trung Quốc”, ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát mạnh… khiến sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn giảm mạnh.
Một phần dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. |
Để vượt qua khó khăn, công ty tiến hành các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm tiêu hao năng lượng, phát huy lợi ích của lao động sáng tạo, dự đoán đúng và chuẩn bị trước nguyên vật liệu, chống đứt gãy lưu thông… nên sản xuất ổn định, tạo giá trị gia tăng mới.
Trong tháng 6 và tháng 7/2022, Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn - Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung phối hợp với UBND các huyện: Krông Pắc, Krông Năng, Krông Bông đồng tổ chức chuỗi sự kiện “Bia Sài Gòn gắn kết mọi nhà” nhằm tri ân khách hàng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa Bia Sài Gòn với người tiêu dùng, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". |
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung Huỳnh Văn Dũng cho hay, trong hai năm 2020 - 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn là đơn vị nộp ngân sách cao nhất tỉnh, với gần 1.100 tỷ đồng (riêng năm 2019 nộp ngân sách 1.415 tỷ đồng); thu nhập người lao động cao hơn so với mặt bằng chung tại địa phương (năm sau cao hơn năm trước từ 5 - 10%). Cùng với đó, đơn vị còn thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, trung bình mỗi năm dành hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh nghèo…
Ông Hoàng Trương Vĩnh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn - Tây Nguyên khẳng định, trong bối cảnh bất lợi do thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, từ chất lượng, giá cả, mẫu mã, dịch vụ… nhưng bia Sài Gòn vẫn đang có vị thế vững chắc, với hệ thống 60 nhà phân phối cấp 1 và 16.000 cửa hàng bán sỉ và lẻ, sản phẩm bia Sài Gòn có mặt ở hầu khắp mọi nơi trong tỉnh.
Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk có dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao. |
Là một trong ba huyện có tỷ lệ tiêu thụ bia Sài Gòn lớn của tỉnh, tại huyện Krông Bông hiện có khoảng 450 nhà phân phối, điểm bán. Là một trong những nhà phân phối bia Sài Gòn độc quyền tại huyện Krông Bông, anh Nguyễn Anh Hào (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho hay, hiện nay trung bình mỗi tháng anh bán được 25.000 thùng. Anh Hào sở hữu 300 m2 kho bãi, 2 xe ô tô vận chuyển, 4 nhân lực làm việc thường xuyên mới có thể bảo đảm quá trình phân phối.
Trong khi đó, huyện Krông Pắc là địa phương chiếm 20% sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn của tỉnh với 2 nhà phân phối lớn và 537 điểm bán lớn nhỏ. Anh Lê Đình Phi (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc), với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành dịch vụ nhà hàng tiệc cưới, giữa rất nhiều sự lựa chọn thì bia Sài Gòn vẫn được anh tin tưởng chọn tư vấn cho khách hàng của mình. Hiện nay, bia Sài Gòn được 70 - 80% khách hàng tại nhà hàng của anh sử dụng. Trung bình nhà hàng của anh tiêu thụ hơn 500 thùng bia/tháng. Theo anh Phi, bia Sài Gòn chất lượng, giá hợp lý, có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng như bia Sài Gòn Lager, Sài Gòn Export, Lạc Việt, 333, Sài Gòn Gold, Sài Gòn Chill… Bên cạnh đó, bia Sài Gòn còn có nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ cho khách hàng, giúp anh bớt được một phần chi phí hoạt động.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc