Đánh thức đại ngàn (kỳ 2)
Kỳ 2: Bám đất, lập làng, xây cuộc sống mới
Đắk Lắk là địa bàn giàu tiềm năng, nhưng đất rộng người thưa, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu. Do đó, từ những ngày đầu tái thiết, Đảng bộ tỉnh xác định vấn đề định canh, định cư, xây dựng vùng kinh tế mới là hết sức quan trọng để "đánh thức" vùng đất này.
Giúp đồng bào định canh và định cư
Theo các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh thời kỳ sau giải phóng, ngày 1/10/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Định canh, định cư, với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung vận động đồng bào dân tộc thiểu số bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy, thực hiện định canh, tiến tới định cư. Tư liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1930 – 2020 ghi lại: Năm 1977, toàn tỉnh đã thực hiện định canh, định cư cho gần 43.000 đồng bào các dân tộc. Đồng thời, huy động giãn dân Buôn Ma Thuột đến xây dựng các vùng kinh tế mới ở Ea Kuăng (huyện Krông Pắc), Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) và Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Những năm 1979 – 1981, tỉnh tổ chức định canh, định cư cho gần 50.000 đồng bào các dân tộc, từ chỗ phá rừng làm rẫy, sản xuất độc canh, chuyển sang làm ruộng nước, xây dựng cánh đồng đất cạn. Bên cạnh đó, các địa phương vận động chuyển hơn 6.000 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào các nông trường, lâm trường. Đến năm 1990, toàn tỉnh định canh, định cư được hơn 70% số hộ trong diện du canh du cư, trong đó hơn 27% số hộ phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống được cải thiện rõ rệt, hơn 33% số hộ canh tác ổn định. Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể các cấp mà bà con nông dân các dân tộc thiểu số đã dần từ bỏ thói quen “đốt phát chọc trỉa”, biết cấy lúa nước, thành thạo cày bừa xử lý đất, xử lý giống, nhờ đó, sản xuất có năng suất cao hơn, thu hoạch ổn định, đời sống được cải thiện.
Từ một vùng đất hoang vu, huyện Ea Súp nay có nhiều đổi thay. |
Cùng với định canh, định cư, những năm 1977 – 1978, Đắk Lắk tập trung xây dựng 6 điểm kinh tế mới đầu tiên của tỉnh, đón 34.000 người dân từ tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình vào. Năm sau đó, tỉnh tiếp nhận hơn 22.000 hộ, gần 120.000 nhân khẩu, với trên 52.000 lao động của các tỉnh, xây dựng được 17 điểm kinh tế mới và bổ sung thêm một phần lao động cho các nông trường, lâm trường, xí nghiệp trong tỉnh. Giai đoạn 1979 - 1981, địa phương tổ chức đón nhận 30.870 hộ, 164.640 nhân khẩu, với gần 80.000 lao động từ các tỉnh phía Bắc Duyên hải miền Trung đến xây dựng những vùng kinh tế mới, đồng thời, giãn một bộ phận dân ở thị xã, các thị trấn ra vùng ven để khai thác tiềm năng kinh tế của tỉnh. Đến thời điểm năm 1987 - 1988, toàn tỉnh đón nhận 48.720 hộ, gồm 259.500 nhân khẩu, trong đó có 126.970 lao động. Cùng với việc đón dân từ các tỉnh khác đến, Đắk Lắk còn chủ động giãn dân, điều hòa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới trong nội bộ tỉnh được 14.000 hộ, 103.170 khẩu, trong đó có 47.900 lao động.
“Ea Xup (Ea Súp - PV) là một địa bàn xung yếu, có tiềm năng về kinh tế, có ý nghĩa về quốc phòng, trước mắt có những thuận lợi nhưng còn những khó khăn phải khắc phục. Thời gian qua, trong điều kiện khó khăn ấy, đồng bào ta ra sức phấn đấu, không quản gian khổ vì trở ngại, giành được thành tựu về nhiều mặt, đặc biệt là về an ninh chính trị. Trung ương và Chính phủ biểu dương tinh thần ấy, những thành tựu ấy” – Trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi “Anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp”. |
Giai đoạn những năm 1990 trở đi, làn sóng đi kinh tế mới đến Đắk Lắk mạnh mẽ hơn. Hàng vạn người dân từ các tỉnh đã đến với mảnh đất này, trong đó có người Thái Bình ở huyện Ea Súp, Lắk; huyện Krông Năng là người Bình Trị Thiên; huyện Ea H’leo có người Nghĩa Bình; người Nghệ An, Hà Tĩnh ở huyện Cư M'gar... Họ bám đất, lập xóm làng và nương tựa vào nhau cùng dựng xây cuộc sống mới.
Những ngày tháng gian khổ
Ngày 24/9/1977, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vùng kinh tế mới huyện Ea Súp và chuẩn bị những điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất đón tiếp 10.000 đồng bào từ tỉnh Thái Bình đến xây dựng kinh tế mới. Tháng 10/1977, 4 trung đoàn thanh niên xung phong, với 4.584 lao động từ Thái Bình được huy động vào Tây Nguyên. Ông Nguyễn Công Huân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp huyện Vũ Thư vào đây được giao làm Phó Ban chỉ huy.
Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, sốt rét hoành hành, thanh niên còn phải chống lại bọn phản động FULRO, vừa tiến hành đắp đập, khai hoang đất sản xuất. Nhiều cán bộ được phân công đến các xã, buôn, thực hiện "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với dân, thực hiện tốt công tác dân vận. Lực lượng thanh niên và cán bộ các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ đồng bào tại chỗ khai phá đất, huấn luyện trâu, bò cày kéo, cấy lúa nước... Thời điểm này đã khai phá trên 5.000 ha đất hoang thành vùng trồng cây lương thực, rau màu, trong đó có trên 800 ha lúa nước. “Điều đáng nhớ nhất với chúng tôi trong những ngày tháng gian khổ ấy là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen ngợi khi vào thăm tỉnh Đắk Lắk ngày 28/10/1978. Trong thư, Đại tướng biểu dương đồng bào, lực lượng thanh niên và động viên chúng tôi ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ, lập nên những thành tích mới”, ông Huân nhớ lại. Cuối năm 1980, các trung đoàn thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ, ông Huân và nhiều người khác đã tình nguyện ở lại vùng đất này và coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Cuộc sống mới của người dân xã Buôn Triết, huyện Lắk. |
Ông Lê Văn Thành (60 tuổi, ở thôn Buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) là một trong những người miền Bắc đi kinh tế mới lên Tây Nguyên từ khá sớm. Năm 1987, được sự vận động của Nhà nước, vợ chồng ông cùng với 3 người con từ tỉnh Thái Bình dắt díu nhau vào Buôn Triết lập nghiệp. Nghe đất đai ở trong này rộng, màu mỡ, trong lòng cặp vợ chồng trẻ không khỏi mừng thầm về một viễn cảnh cuộc sống được no ấm, hạnh phúc. Nhưng cuộc sống nơi vùng đất mới không dễ dàng như suy nghĩ của vợ chồng ông, mà đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Chào đón ông bà là những con đường lầy lội, núi đồi hoang vu và những đầm lầy đầy lau lách. Một thứ “đặc sản” ở đây khiến con người rùng mình là muỗi và vắt, chúng có mặt dày đặc khắp nơi, chờ chực hút máu người khiến người dân ở đây khi nào cũng phải đốt lửa xua đuổi. Để giúp những người đi kinh tế mới ổn định cuộc sống thời gian đầu, Nhà nước đã cấp cho các gia đình một khoảnh đất để dựng nhà ở, mỗi tháng một người được trợ cấp 14 kg gạo. Với sự hỗ trợ ít ỏi đó, ông bà phải vật lộn đủ mọi cách để bám trụ được trên vùng đất mới. Để có đủ cái ăn, vợ chồng ông Thành tìm cách khai hoang để mở rộng diện tích trồng lúa. Ông bà phát hạ những vùng lau sậy cao quá đầu người cho khô rồi đốt bỏ. Những gốc lau sậy chằng chịt bít chặt khiến những nhát cuốc khó khăn lắm mới tách được chúng ra. “Cặm cụi cuốc đến bàn tay rớm máu, cả hai vợ chồng một ngày cũng chỉ vỡ được đám đất cỡ vài chiếc chiếu. Làm được mảnh ruộng, gieo sạ xuống thì chim chóc kéo từng đàn đến phá, khi thì lũ bất ngờ tràn về, cuốn phăng đi tất cả. Lắm lúc cũng nản lắm, nhưng xác định về quê cũng không khá hơn nên chúng tôi động viên nhau ở lại tìm cách khắc phục khó khăn để lập nghiệp”, ông Thành kể. Sau những năm tháng chật vật cải tạo đất, chống chọi với thiên nhiên, rồi đất không phụ công người, ông bà cũng đã khai phá được 10 ha ruộng nước, hơn 1 ha ao hồ để nuôi trồng thủy sản và hơn 4 ha đất đồi để trồng cây công nghiệp.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Những công trình dựng xây tương lai
Vạn Tiếp - Minh Thông
Ý kiến bạn đọc