Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức đại ngàn (kỳ 3)

07:49, 18/08/2022

Kỳ 3: Những công trình dựng xây tương lai

 giai đoạn tái thiết tỉnh Đắk Lắk, việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để có được những nhà máy thủy điện, đập thủy lợi, biết bao người đã phải trải qua đau thương, mất mát. Những công trình xây lên không chỉ phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở những ngày đầu sau giải phóng mà còn phát huy giá trị đến ngày hôm nay.

Dùng voi làm... thủy lợi

Cùng với chủ trương khai hoang, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, tỉnh tập trung vào làm thủy lợi phục vụ sản xuất. Thời điểm năm 1975, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số công trình thủy lợi nhỏ như hồ Buôn Ngô, Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông), Ea Tyh (huyện Ea Kar), Thâm Trạch (huyện Lắk) và một số đập ngăn suối vùng ven thị xã Buôn Ma Thuột. Để giải quyết vấn đề trị thủy, một mặt, tỉnh mời các đoàn chuyên gia, kỹ sư của Bộ Thủy  lợi vào phối hợp, hỗ trợ cho địa phương; mặt khác, tỉnh phát động phong trào quần chúng làm thủy lợi nhỏ và vừa như đào giếng, làm hồ chứa nước để trồng lúa, cà phê. Ngành thủy lợi thì được giao nghiên cứu, xây dựng các hồ, đập ở những vùng đất mới khai hoang. Vấn đề đầu tiên được triển khai là công tác quy hoạch, nghiên cứu địa thế các sông, suối, xác định khả năng nguồn nước, quy mô đất đai khai hoang để tính toán tính khả thi, hiệu quả của các công trình. Tùy tình hình và nhu cầu thực tế, có những công trình được thiết kế tưới cho vài chục héc ta, công trình lớn thì có khả năng tưới hàng trăm, thậm chí nghìn héc ta. Do yêu cầu cấp bách của việc sản xuất, cuối năm 1977, hồ thủy lợi Buôn Triết (huyện Lắk) được xây dựng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh thời điểm đó, phục vụ tưới cho 1.000 ha lúa phía Nam sông Krông Ana. Phía Bắc sông này là cánh đồng Buôn Trấp thì tiến hành đắp bờ vùng bờ thửa, đê ngăn lũ và xây dựng 3 trạm bơm dọc sông chạy bằng dầu để lấy nước tưới.

Ông Phan Mưu Bính - "kiến trúc sư"

của nhiều công trình thủy lợi

tại tỉnh Đắk Lắk những ngày đầu

sau giải phóng.

“Kiến trúc sư” cho những công trình thủy lợi lịch sử của tỉnh là “cặp bài trùng” Trần Nhơn, Trưởng Ty Thủy lợi và cấp dưới là kỹ sư Phan Mưu Bính, Trưởng Phòng Kế hoạch. Công trình đầu tiên mang đậm dấu ấn của hai người này là hồ thủy lợi Ea Kao, xây dựng năm 1983. Ban đầu đây chỉ là con đập nhỏ ngăn suối Ea Kao. Phương tiện máy móc thi công lúc này hầu như chưa có gì, mọi công đoạn gần như phải làm bằng sức người, với sự tham gia của hàng trăm công nhân, thanh niên xung phong, đào đất thì dùng cuốc xẻng, vận chuyển thì bằng quang gánh. Khó nhất là phải đắp đập đất cao 10 m. Đây là lần đầu tiên trong ngành thủy lợi Việt Nam, người ta sử dụng vật liệu đắp đập là đất bazan. Ông Bính và các kỹ sư phải nghiên cứu, tìm cách điều chỉnh độ ẩm của đất phù hợp để vật liệu có độ kết dính cao, không bị nhão ra khi gặp nước. Không có máy cơ giới, ông nghĩ ra cách sử dụng voi để lu nền đập. Ấy vậy mà đập vẫn được đắp lên cao, vững chắc, hồ rộng 300 ha, tích nước từ các con suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim tưới cho hàng nghìn héc ta cây trồng khu vực Hòa Xuân, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) và vùng phụ cận. Mấy chục năm qua, hồ thủy lợi này vẫn vững chãi thách thức với thời gian, chưa bị sự cố lớn và được gọi bằng cái tên mỹ miều Ea Kao - hồ nước không bao giờ cạn.

Ông Phan Mưu Bính cũng là “cha đẻ” của hồ thủy lợi Ea Súp Hạ phục vụ nước tưới cho vựa lúa lớn ở vùng biên. Để thực hiện công trình, ông đã lặn lội hai năm trời đi khảo sát địa hình, địa chất vùng này để tính toán, thiết kế. Cũng như những công trình khác, việc thi công chủ yếu bằng thủ công. Các công nhân và thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình ngày đêm đào hồ, đắp đập. Một số loại máy móc chỉ phục vụ thi công các công trình đầu mối. Lực lượng thi công phải chống chịu với sốt rét, thú dữ và FULRO phá hoại. Mất hai năm, công trình này mới được hoàn thành cùng hệ thống kênh mương dài hàng chục ki lô mét dẫn nước đến các cánh đồng của thị trấn Ea Súp, xã Ea Lê và Ea Bung. Công trình này cùng với hồ Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ xây dựng sau đó phục vụ nước tưới cho hàng nghìn héc ta lúa và cây trồng khác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất biên giới này.

Hồ Buôn Triết - một trong những công trình thủy lợi đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Ông Phan Mưu Bính cho biết, thời gian này, tỉnh còn xây dựng một số hồ, đập thủy lợi khác như công trường thủy lợi 10/3, hồ Ea Uy, Krông Búk hạ... Giai đoạn 10 năm đầu sau giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã làm được khoảng 200 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hàng vạn héc ta cây trồng, chủ yếu là lúa nước và cà phê. Đây là nỗ lực rất lớn trong điều kiện khó khăn của tỉnh lúc đó.

Chinh phục sông dữ tìm nguồn sáng

Tháng 4/1978, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đắk Lắk vinh dự đón đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến thăm và làm việc. Trong bài nói chuyện tại cuộc mít tinh ở thị xã Buôn Ma Thuột, sau khi biểu dương những thành tựu của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong những năm đầu đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí nhấn mạnh: “Trong công cuộc phát triển kinh tế ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, vấn đề quan trọng số một là giải quyết vấn đề nước. Có nước là có định canh, có những vùng dân cư mới; có nước là có lương thực, thực phẩm; có nước là có thâm canh và năng suất cao”.

Những năm 1980, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có một vài trạm phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel, tổng công suất 6.000 kW phục vụ cho khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Trước yêu cầu cấp bách về năng lượng, tỉnh xác định phải xây dựng nhà máy thủy điện nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, phục vụ sinh hoạt của người dân. Lúc này, Đắk Lắk được Bộ Năng lượng thiết kế cho công trình thủy điện Đrây H’linh, công suất 12.000 kW, nằm trên sông Sêrêpốk (thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột ngày nay). Lúc này, không có đơn vị nào dám nhận thi công vì điều kiện hết sức khó khăn do lực lượng phản động FULRO phá hoại, địa hình rừng núi hiểm trở, đoạn sông rộng 500 m toàn đá tảng. Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy là đồng chí Y Ngông Niê Kdăm trực tiếp gặp Đại tá Lê Xuân Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12). Sau khi hỏi thăm sức khỏe và hoạt động của đơn vị và nêu lên những khó khăn của tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh giao trọng trách xây dựng thủy điện này cho ông Bá và sư đoàn. Nhận nhiệm vụ nhưng ông Bá rất lo lắng vì đơn vị chưa từng làm công trình thủy điện nào. “Nhiều người nói rằng tôi húc đầu vào đá, nhưng nghĩ đến việc làm ra nguồn điện phục vụ cho nhân dân và tỉnh nhà phát triển thì chúng tôi không ngại khó, ngại khổ”, ông Bá bộc bạch. Ông cùng ban chỉ huy họp bàn, làm công tác tư tưởng, động viên kỹ sư, công nhân và chiến sĩ hạ quyết tâm. Đúng dịp kỷ niệm Ngày đất nước thống nhất năm 1984, công trình được phát lệnh khởi công, cờ Tổ quốc tung bay trên công trường.

Địa điểm thi công nằm giữa chốn rừng thiêng nước độc, địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn. Trong khi đó, lực lượng phản động FULRO phá hoại, đơn vị phải tuần tra truy quét, bảo vệ công trường mới có thể thi công. Sư đoàn 470 đã huy động lực lượng hùng hậu gồm 500 chiến sĩ, có thời điểm lên đến 1.000 người, thay nhau ngày làm 3 ca. Cấp trên điều động thêm trung đoàn và đưa cả máy khoan đá từ ngoài Bắc vào nhưng vẫn "bó tay" bởi điều kiện địa chất ở đây. Công việc gian nan nhất là phải khoan phá đá làm hố móng sâu 60 m ròng rã hơn một năm trời. Thủ trưởng đơn vị ngày đêm có mặt ở công trường để chỉ huy và động viên cán bộ, chiến sĩ. Ông Bá kể, khó khăn, gian khổ không thể nói hết, anh em bộ đội phải ăn cơm trộn ngô, bo bo và cá khô, bệnh sốt rét hành hạ, phương tiện thi công chỉ là cuốc, xẻng, xà beng, máy móc thô sơ, công suất nhỏ, việc khoan đá, đắp đập, đào móng và đổ bê tông chủ yếu làm bằng tay. Lúc đầu chưa có máy hút cát, anh em phải lặn xuống sông múc từng thùng cát, nhiều người bị đau hốc mũi, ù tai. Để xây dựng nhà máy, bộ đội phải vận chuyển vật liệu làm rọ đá lấp sông, đào đá xuống độ sâu 22,5 m để đặt máy phát điện.

Đrây H'linh là nhà máy thủy điện đầu tiên trên sông Sêrêpốk.

Trong 6 năm trời, những người lính Sư đoàn 470 đã đào, đắp hàng vạn mét khối đất, đá. Tổ máy số 1 được phát điện vào tháng 10/1989. Đến quý 3 năm 1990, cả 3 tổ máy của thủy điện Đrây H’linh được hoàn thành đưa vào phát điện trong niềm hân hoan của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đó ánh điện đã thắp sáng nhiều buôn làng, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

“Với những người lính chúng tôi, xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên trên sông Sêrêpốk lúc ấy quả là kỳ tích, chiến công rực rỡ. Tuy nhiên, đằng sau thành quả ấy là bao mất mát, đau thương khi 13 quân nhân đã hy sinh để dòng điện Đrây H’linh bừng sáng”, ông Lê Xuân Bá bộc bạch.

(Còn nữa)

Kỳ 4: Những cánh đồng vàng trên cao nguyên

Vạn Tiếp - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc