Multimedia Đọc Báo in

Khai thác "thị trường ngách": Nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp

08:14, 09/08/2022

Việc xây dựng "thị trường ngách" để tập trung bán hàng cho một nhóm nhỏ đối tượng là chiến lược hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn, nhất là DN khởi nghiệp để phát triển kinh doanh và từng bước khẳng định thực lực của mình.

Cơ hội không nhỏ như cái tên

Ngày càng có nhiều DN của tỉnh chọn cách phát triển kinh doanh từ "thị trường ngách" để thu hút khách hàng, bán được sản phẩm. 

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang (TP. Buôn Ma Thuột) khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm và tập trung vào sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Điều này rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới hiện nay là "tiêu dùng xanh", người tiêu dùng đang quay về sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên. Đơn vị đã đầu tư công nghệ, chế biến nhiều loại mỹ phẩm từ quả bơ tươi Đắk Lắk và cây thảo dược, gồm: xà bông thảo dược, muối tắm bơ - cà phê, dầu quả bơ, son dưỡng tinh bơ, sữa rửa mặt từ dầu bơ... Nhờ biết khai thác đúng với nhu cầu của thị trường và thiết kế những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của đối tượng người tiêu dùng quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường và sức khỏe, đơn vị đã bán được lượng hàng khá dồi dào, dù trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành thời gian qua. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang chia sẻ, mỹ phẩm là lĩnh vực không dễ cạnh tranh nhưng lấy nguyên liệu chủ lực từ loại nông sản của địa phương, mang tính đặc trưng vùng miền, an toàn cho sức khỏe sẽ có lợi thế thu hút khách hàng hơn. Đó là cơ hội để DN phát triển. Hơn nữa, điều này cũng góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân địa phương nên sẽ tác động đến văn hóa tiêu dùng của người dân.

Đa dạng sản phẩm làm từ quả bơ tươi Đắk Lắk của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang.

Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, Công ty TNHH Ê ĐÊ Café (huyện Krông Ana) chuyên sản xuất, chế biến các dòng cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan đã tìm hướng đi riêng. Xác định "ngách" thị trường là phân khúc khách hàng cao cấp, có thu nhập cao và khách hàng là phụ nữ, Công ty TNHH Ê ĐÊ Café đã chú trọng phát triển dòng sản phẩm cà phê chồn (hạt rang, bột) và cà phê hòa tan mang hương vị đặc biệt mới là cà phê hương khoai môn và sầu riêng. Dù mới ra mắt thị trường chưa đầy một năm, nhưng với lượng cung ứng mỗi tháng từ 500 kg - 1 tấn cà phê các loại, đơn vị đã thu hút đáng kể lượng khách hàng đón nhận, tin dùng sản phẩm. Ông Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê ĐÊ Café cho hay, cà phê là sản phẩm thông dụng, nhiều DN đã làm, nhưng Ê ĐÊ Café  mang đến sự khác biệt và sáng tạo. Tính toán chiến lược của mình là tập trung vào một số đối tượng khách hàng nhất định, công ty tránh được sự cạnh tranh trực diện với các mặt hàng cùng loại, đồng thời, thu hút được lượng lớn khách hàng là phái nữ đam mê hương vị cà phê.

Cần có chiến lược phù hợp

 

Thích ứng với đại dịch COVID-19, những sản phẩm có "thị trường ngách" tiềm năng có thể kể đến như sản phẩm cho thú cưng, thiết bị văn phòng tại nhà, sản phẩm đã qua sử dụng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thiết bị tập thể thao tại nhà...

"Thị trường ngách" tên tiếng Anh là "Niche Market" - là một phần nhỏ của thị trường lớn hơn có nhu cầu cụ thể của riêng nó, khác với thị trường lớn hơn về mặt nào đó so với thị trường tổng thể. Nói một cách khác, "thị trường ngách" là phân khúc thị trường nhỏ, được điều chỉnh phù hợp với một số đặc điểm cụ thể của một nhóm người hoặc sự vật. Bằng cách xác định "thị trường ngách", DN có thể thâm nhập vào một phân khúc thị trường rộng lớn hơn và đáp ứng đầy đủ sở thích, nhu cầu cụ thể của khách hàng.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn, đẩy DN vào tình thế khó, nhất là DN vừa và nhỏ. Để vượt qua thử thách này, nhiều DN đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường tiềm năng, phân khúc khách hàng, khai thác "thị trường ngách"...

Nói về lựa chọn của các DN khi đi theo "thị trường ngách", nhiều DN của tỉnh cho rằng, đây là hướng đi phù hợp với xu thế. Bởi DN, nhất là DN vừa và nhỏ có nguồn vốn hạn chế, công nghệ chưa được đầu tư bài bản mà sản phẩm mới muốn cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm lâu năm trên thị trường, những “ông lớn” trong ngành là điều không thể. “Nghiên cứu và lựa chọn để đi theo một mảng nhỏ nào đó mà các “ông lớn” chưa làm hoặc làm chưa thực sự tốt trên cơ sở gắn với lợi thế vùng nguyên liệu tại địa phương thì khi đó mới có cơ hội cho DN phát triển”, bà Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ.

Chế biến cà phê hoà tan vị sầu riêng tại Công ty TNHH Ê ĐÊ Café.

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, so với sự bão hòa trên diện rộng của mặt hàng ở thị trường thông thường thì "thị trường ngách" có số lượng đơn vị cung ứng dịch vụ ít hơn, sự cạnh tranh chưa thực sự khốc liệt. Khai thác "thị trường ngách" giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí truyền thông quảng bá sản phẩm, tiềm năng thị trường cao nhưng mức độ cạnh tranh còn thấp.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này đòi hỏi DN phải có năng lực cạnh tranh tốt và có chiến lược phù hợp. Trước hết, DN cần hiểu đúng, đủ về "thị trường ngách". Bắt đầu từ việc tối ưu hóa sản phẩm, thị trường và khách hàng hiện có, tiếp đến là thâm nhập thị trường và phân khúc khách hàng liền kề và cao hơn để phát triển đột phá, sáng tạo ra những sản phẩm mà thị trường chưa có.

Sau khi đã tìm đúng "thị trường ngách", DN sẽ nghiên cứu các hoạt động phân tích hệ thống kinh doanh; thiết lập danh mục sản phẩm, đánh giá thị trường, kiểm chứng lại thị trường, năng lực và tham gia cạnh tranh.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc