Multimedia Đọc Báo in

Cảm nhận vùng biên

06:12, 04/09/2022

Vào mùa khô, mới sáng sớm cái nóng bức đã trùm lên vùng biên Ea Súp. Từ trụ sở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Bộ Quốc phòng) nhìn ra cả vùng bình nguyên rộng lớn này chỉ thấy đất khô phơi mình dưới nắng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Đoàn Minh Thuận chỉ tay theo tầm nhìn của chúng tôi nói rằng, chỉ cần có nước thì đất đai ở đây sẽ hóa thành ruộng lúa hết, và quả đúng như thế, vùng đất này sẽ trở thành vựa lúa là chuyện trong tầm tay một khi dòng nước được dẫn về…

Phác họa của Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp xem ra lạc quan lắm, bởi vùng “đất hứa” - người dân sống được với cây lúa, cây ngô và các loại rau màu khác ở vùng biên ấy, giờ đã trở thành hiện thực. Cũng có lẽ vì thế, vài năm qua, ngoài vài trăm hộ dân từ Bến Tre, Quảng Nam lên đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới, nay dân cư ở khắp nơi hội tụ về đây mỗi năm càng nhiều, nâng tổng số hộ dân ở hai xã Ia R'vê và Ia Lốp lên hơn 4.000 hộ/32 thôn, làng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng chia sẻ: Tiềm năng đất đai, thiên nhiên ở vùng đất này thì hẳn có lợi thế rồi, quan trọng là đánh thức và biến tiềm năng ấy trở thành hiện thực để nuôi sống, rồi tiến tới nâng cao đời sống kinh tế cho chừng ấy con người mới là vấn đề đáng nói. Mừng thay, đến nay điều mà người dân các xã vùng biên Ea Súp mong mỏi nhất bao năm qua là nước tưới cũng sắp sửa thành hiện thực. Cụ thể, dự án thủy lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) đã được triển khai tại đây, bao gồm các hạng mục: hồ chứa, hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho khoảng 4.000 – 5.000 ha đất canh tác trên địa bàn. Đây là “cú hích” mạnh mẽ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nghề cho người dân, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng biên Ea Súp. 

Diện mạo mới của xã vùng biên Ia Lốp.

Theo ông Thắng, chủ trương biến vùng biên này thành vựa lúa đã được chính quyền, người dân thực hiện từ lâu thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành liên quan. Từ những năm 2008 - 2010, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 đã khai hoang và bàn giao cho huyện Ea Súp gần 8.400 ha đất sản xuất để cấp cho người dân (2 ha/hộ); xây dựng hệ thống hồ chứa, kênh mương thủy lợi cung cấp nước tưới trong mùa khô và điều tiết giảm lũ trong mùa mưa cho hơn 1.500 ha cây trồng các loại; hình thành cánh đồng lúa nước 2 vụ (tại thôn 13, 14, xã Ia R'vê) với diện tích 130 ha từ kênh thủy lợi Chính Tây (Hồ Ea Súp Thượng) dẫn về. Nhờ vậy đời sống của người dân ở đây sớm ổn định, từng bước có tích lũy để phát triển sản xuất, nhất là cây lúa nước có tiềm năng lớn trên địa bàn phía Tây của tỉnh Đắk Lắk.

Mùa vàng trên cánh đồng Ia R'vê. Ảnh: T.Hải
 

Để vùng biên Ea Súp ổn định và phát triển hơn nữa thì vấn đề dân di cư tiếp tục vào đây phải được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh chăm lo, tạo điều kiện cho số hộ cũ đã vào đây, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp, ngành hạn chế số hộ tiếp tục đổ vào nhằm tránh tình trạng bị động, chạy theo trong công tác quy hoạch và xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo”.

 
Bí thư Đảng ủy xã Ia R'vê Trần Lệ Thủy

 Bí thư Đảng ủy xã Ia R'vê Trần Lệ Thủy cho biết: Đến nay số hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 100 hộ, chiếm 11% dân số. Tổng sản lượng lương thực làm ra của hơn 2.000 nông hộ ở xã Ia R'vê đạt bình quân hơn 22.000 tấn/năm. Theo đó, đã có hơn một nửa số hộ làm nông nghiệp sắm sửa được nhiều phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất. Điều đáng nói hơn là người dân, dù đến trước hay sau đều thể hiện rõ nét tâm tư, tình cảm gắn bó với vùng đất này. Thay vì vào rừng khai thác lâm sản để kiếm sống tạm bợ như trước đây, thì nay họ đã có ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên của mình để tạo dựng nguồn sống chính đáng và bền vững hơn.

Hầu hết người dân ở đây đều tâm tư, nếu có được nguồn nước từ công trình thủy lợi Hồ Ea Súp Thượng đưa vào thì chắc chắn vùng đất này sẽ trở thành vùng quê trù phú không thua kém gì các xã Ea Lê, Ea Bung và Ea Rốk đang thay đổi từng ngày trên bình nguyên Ea Súp. Ông Đoàn Minh Thuận kỳ vọng nước tưới phục vụ cho nông nghiệp luôn là nỗi khát khao của người dân vùng biên, biết rằng nguồn kinh phí đầu tư cho vấn đề “sống còn” này rất lớn, nhưng mọi người đều lạc quan trước thực tế - dòng kênh chính Đông, chính Tây của hai công trình thủy lợi Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ vẫn tiếp tục được nối dài và dự án thủy lợi Ia Mơr đã khởi động, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho khoảng 4.000 – 5.000 ha đất canh tác trên địa bàn sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Lúc đó, chúng tôi tin rằng câu nói đầy tự tin của Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Đoàn Minh Thuận rằng: “Chỉ cần có nước tưới thì đất đai ở đây trở thành ruộng lúa hết…” sẽ thành hiện thực.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.