Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I - năm 2022

Khát vọng nâng tầm thương hiệu trái sầu riêng

08:23, 05/09/2022

Diễn ra trong ba ngày (từ ngày 1 đến 3/9), Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I – năm 2022 với một chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa – du lịch – kinh tế đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện cũng như các tỉnh thành khác đến tham dự.

40.000 lượt du khách đến với lễ hội

Một trong những hoạt động quảng bá sản phẩm của nơi được mệnh danh “thủ phủ sầu riêng” được nhiều người mong đợi nhất tại lễ hội là trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn. Trong những ngày diễn ra lễ hội đã có hàng chục nghìn lượt du khách háo hức đến tham quan các vườn mẫu và thưởng thức sầu riêng. Du khách Phạm Lê Thủy Triều (TP. Đà Nẵng) chia sẻ, bản thân rất thích ăn sầu riêng, nhất là sầu riêng của Đắk Lắk bởi hương vị thơm ngon, đậm đà đặc trưng ít nơi nào có. Và khi được đặt chân đến vùng đất mang thương hiệu sầu riêng mà mình yêu thích, được thưởng thức sầu riêng ngay tại vườn thì rất hạnh phúc và tự hào về vùng đất này.

Đại biểu, du khách tham quan, trải nghiệm vườn sầu riêng đẹp, thân thiện môi trường ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. Ảnh: Nguyễn Gia

Huyện Krông Pắc được biết đến là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh, với gần 3.800 ha, sản lượng rất lớn, từ 40.000 – 50.000 tấn. Địa phương này cũng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc”. Nơi đây được đánh giá là vùng đất tiềm năng để phát triển loại "trái cây vua" - sầu riêng. Chính điều này đang tạo sức hút đặc biệt cho du khách thập phương khi tìm đến nơi này.

Nhiều chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, như: lễ hội đường phố, ngày hội văn hóa các dân tộc, bay treo khinh khí cầu, tham quan Khu di tích lịch sử Đồn điền CADA... cũng đã thu hút được rất đông khách du lịch đến tham gia, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc, với sự góp mặt của 700 nghệ nhân, vận động viên trên địa bàn huyện là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm giới thiệu và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Các nghệ nhân đã mang đến lễ hội nhiều tiết mục hát dân ca, chế tác nhạc cụ truyền thống, trang phục truyền thống, ẩm thực… lôi cuốn du khách đến thưởng lãm.

Du khách người Thụy Sĩ, ông Peter bày tỏ, nhờ theo dõi báo chí, ông đã biết đến Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc. Do đó, ngay từ sáng sớm 3/9, ông Peter đã có mặt tại thị trấn Phước An để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, con người Krông Pắc. “Tôi rất thích các hoạt động văn hóa của ngày hội. Tôi tìm đến để chụp hình, quay phim gửi về cho người thân, gia đình của mình để họ biết về sự độc đáo của văn hóa vùng miền”, ông Peter nói.

Sầu riêng huyện Krông Pắc được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I đã có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ; trên 200 diễn viên chuyên và không chuyên cùng hàng trăm nghệ nhân. Trong dịp này, huyện cũng đã đón khoảng hơn 40.000 lượt du khách trong, ngoài huyện và các tỉnh thành đến tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Đặc biệt, các chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch đã góp phần vào thành công chung của lễ hội trong việc quảng bá, giới thiệu, tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân gian. Đồng thời, đây cũng là dịp đưa những di sản văn hóa dân gian của các dân tộc tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Hơn 11 nghìn tỷ đồng cho các dự án đầu tư

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động quảng bá nông sản là Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc – năm 2022. Tại đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm hiểu tiềm năng, lợi thế kinh tế của địa phương. Huyện cũng cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; danh mục các dự án trọng điểm… Đồng thời, các chuyên gia về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đã trao đổi những vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, trọng điểm là cây sầu riêng, với mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện.

Đại diện UBND huyện Krông Pắc ký Bản ghi nhớ với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng cường và đang quy chuẩn, ưu tiên phát triển xuất nhập khẩu chính ngạch thì chính quyền, doanh nghiệp, nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng các vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định. Đây cũng chính là cơ hội để quảng bá nhãn hiệu và nâng nâng tầm giá trị sầu riêng Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng trên thị trường thế giới. Tại hội nghị, UBND huyện Krông Pắc đã ký kết bản ghi nhớ với các doanh nghiệp 24 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, giáo dục, hạ tầng, cụm công nghiệp, chế biến nông sản, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng. 

Để đưa nền kinh tế địa phương phát triển, huyện Krông Pắc cần quy hoạch và quản lý quy hoạch về đất đai để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư. Tập trung thu hút phát triển đầu tư các dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm, như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca, chăn nuôi... Đặc biệt là xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, có độ mở cao và cam kết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, người nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh".
 

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra Hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng, có sự tham gia 200 gian hàng, với trên 150 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tới từ các huyện lân cận. Hội chợ đã trở thành điểm đến của người dân và du khách để tham quan, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng và kết nối thương mại. Hội chợ cũng là "sân chơi" để trái sầu riêng cũng như các sản phẩm nông sản khác của huyện Krông Pắc khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu cho biết, với tiềm năng, thế mạnh của huyện còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư, khai thác, như: Công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sản phẩm đông lạnh, du lịch - dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi, thương mại..., huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà huyện có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng, đặc biệt là sầu riêng.

Tại Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc - năm 2022 có 34 dự án được mời gọi đầu tư, thuộc 4 lĩnh vực có tiềm năng của huyện, gồm: lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch; công nghiệp và xây dựng; văn hóa và giáo dục; thương mại. Trong đó, huyện đã ký bản ghi nhớ với các nhà đầu tư 24 dự án.

Minh Thuận – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.