Nông dân Yang Reh đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi
Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã tập trung phát triển mô hình sản xuất theo hướng đa cây, đa con, vươn lên làm giàu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Reh cho biết, toàn xã hiện có 786 hội viên nông dân, trong đó có khoảng 70% hội viên xây dựng các mô hình sản xuất đa cây, đa con. Để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã chú trọng phối hợp mở nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác và giới thiệu nhiều giống cây, con giống năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá từ những mô hình này.
Tiêu biểu như hộ chị Đinh Thị Kim Trinh (thôn 1) là một trong những hộ dân đi đầu trong việc đưa giống lúa ST24, ST25 vào sản xuất khi được chính quyền vận động. Trước đây, gia đình chị sản xuất hai vụ lúa, do giống lúa kém năng suất, giá thành thấp nên quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập chẳng là bao. Khi gia đình chị trồng các giống lúa ST24, ST25, trung bình một tấn lúa tươi bán được 7 - 7,5 triệu đồng; với mức giá này, chị thu về 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 45 triệu đồng/ha.
Chị Đinh Thị Kim Trinh đang chăm sóc đàn bò 3B của gia đình. |
Từ khi đưa các giống lúa mới vào sản xuất, không những đủ tiền đầu tư, chị Trinh còn mua được máy gặt đập liên hợp trị giá 350 triệu đồng. Vụ hè thu năm nay, gia đình chị ước thu hoạch được 15 tấn lúa, lãi 70 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn trồng 500 trụ tiêu xen canh trong vườn cà phê và trồng thêm 150 cây sầu riêng trên 1,5 ha đất rẫy; nuôi 6 con bò 3B vỗ béo. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh nên đàn bò của gia đình chị phát triển tốt. Mỗi năm, chị xuất bán được 2 lứa bò lãi 80 triệu đồng.
Tương tự, gia đình chị Đinh Thị Mỹ Châu (thôn 1) cũng là một trong những điển hình thành công phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Sau gần một năm nuôi thử nghiệm giống gà rừng tai trắng, nhận thấy đây là giống gà có sức đề kháng cao, chị Châu đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại diện tích 400 m2, nuôi 300 con gà rừng. Giá trung bình một con gà rừng tai trắng từ 250.000 – 300.000 đồng. Ngoài mua về làm thực phẩm, nhiều người còn “săn” gà rừng để nuôi làm cảnh nên đầu ra rất thuận lợi. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế vườn đồi, chị Châu cải tạo 3 ha đất và đầu tư 150 triệu đồng trồng 300 cây sầu riêng Dona; thuê đất trồng 6 ha khoai lang Nhật. Chị Châu cho rằng cách làm này sẽ tạo được nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro khi một loại nông sản rớt giá, và cũng là cách để “lấy ngắn nuôi dài”; đồng thời giúp gia đình tận dụng được phế phẩm nông nghiệp làm phân bón, giảm được chi phí đầu tư. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị Châu có lãi 200 triệu đồng từ các loại cây, con này.
Chị Nguyễn Thị Tuyền chăm sóc vườn cà phê. |
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tuyền (thôn 1) thì có thu nhập ổn định từ mô hình trồng xen canh tiêu - cà phê. Trước đây, khi trồng độc canh cà phê, mỗi năm chị lãi khoảng 40 triệu đồng/ha cà phê. Từ năm 2018, chị bắt đầu trồng xen canh thêm tiêu trong vườn cà phê. Sau 4 năm triển khai, hiện cây tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch. Chị tính toán hiện nay thu nhập từ tiêu và cà phê mang lại cho chị nguồn thu nhập 70 triệu đồng/ha; tăng gần gấp đôi so với độc canh cà phê. Mặt khác, trồng xen canh còn giúp gia đình chị đỡ tốn công chăm sóc, giảm chi phí phân bón từ 10 - 15%.
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc