Agribank Ea Kar: Tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế
Với vai trò là một đơn vị tín dụng lớn đóng trên địa bàn huyện Ea Kar, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Ea Kar (Agribank Ea Kar, trực thuộc Agribank Đắk Lắk) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng hành, trợ lực giúp người dân “giữ vững tay chèo” trong quá trình phát triển kinh tế.
Xác định cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chính trị gắn với hiệu quả kinh doanh, Agribank Ea Kar đã phát huy nội lực, triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hơn 10 năm qua, Agribank Ea Kar luôn là đơn vị sát cánh, tương trợ, giúp gia đình ông Huỳnh Minh Dương (tổ dân phố 4, thị trấn Ea Kar) vượt qua khó khăn trên con đường khởi nghiệp để vươn lên làm giàu. Từ năm 2008, sau khi tìm hiểu thị trường, ông Dương đã nảy ra ý định phát triển mô hình nuôi gà lấy trứng. Tuy nhiên tiềm lực kinh tế của gia đình hạn chế nên ông đã tìm đến Agribank Ea Kar để vay hơn 1 tỷ đồng đầu tư chuồng trại và nuôi 4.000 con gà giống lấy trứng.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Ea Kar. |
Khi mô hình chăn nuôi này mang lại hiệu quả, gia đình tiếp tục vay vốn ngân hàng để mua thêm đất, mở rộng quy mô, xây dựng thành trang trại tổng hợp rộng 2,4 ha, đầu tư cơ sở vật chất để nuôi 20.000 con gà (bình quân thu được 18.000 trứng/ngày) và trồng 250 cây sầu riêng, xen canh một số cây bơ, chanh, dổi… Trang trại tổng hợp của gia đình ông cũng tạo việc làm cho 7 lao động địa phương, với thu nhập ổn định 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng từ mô hình kinh tế này. Ông Dương tâm sự: “Trong sản xuất, kinh doanh, nếu chờ đến khi có sẵn nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô thì không bao giờ thực hiện được. Chính nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng đã tiếp sức và tạo nền móng vững chắc cho gia đình yên tâm phát triển sản xuất. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, việc tiêu thụ trứng gặp khó khăn, lại đúng thời gian khai thác trứng từ gà giảm sút, tỷ lệ đẻ trứng chỉ còn 60%, trong khi đó giá cám tăng cao nên việc chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng. Nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ giảm lãi suất từ ngân hàng đã tạo động lực cho gia đình vững tin để vượt khó”.
Là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được trợ lực bởi Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar) đã được vay 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp công ty đầu tư hoàn thiện những diện tích tái canh cà phê cuối cùng trên tổng diện tích 216 ha, trong đó hiện có 126 ha đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Bên cạnh việc sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, công ty còn phát huy tiềm năng, nâng cao chất lượng cho sản phẩm gạo địa phương và xây dựng thương hiệu “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà”, được khách hàng đón nhận tích cực. Với 260 ha lúa nước hai vụ, gieo trồng giống lúa thương phẩm (ST24, ST25), công ty sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, vận hành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo tiêu chuẩn hệ thống chất lượng ISO 9001:2015; đồng thời, sản xuất thêm lúa giống lai F1 đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cán bộ Agribank Ea Kar (bên trái) luôn đồng hành, hỗ trợ người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng. |
Ông Trần Hoàng Khánh, Giám đốc Agribank Ea Kar cho biết, hiện đơn vị có hai phòng giao dịch trực thuộc ở xã Ea Ô và thị trấn Ea Kar, tạo thuận lợi cho việc quản lý, kinh doanh, đưa tín dụng lan tỏa đến từng thôn, buôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính thống. Mặc dù trên địa bàn huyện có 14 ngân hàng thương mại cùng hoạt động, sức cạnh tranh lớn, tuy nhiên Agribank Ea Kar vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vốn và đầu tư tín dụng hiệu quả, tạo dựng uy tín trong lòng khách hàng.
Với sứ mệnh đồng hành cùng “Tam nông”, từ đầu năm đến nay, Agribank Ea Kar đã huy động nguồn vốn từ dân cư được 897 tỷ đồng (tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm 2022) và cho 5.800 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ 1.550 tỷ đồng (tăng 159 tỷ đồng so với đầu năm 2022) chủ yếu phục vụ người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Những thành quả đó đã giúp đơn vị luôn dẫn đầu trong toàn tỉnh về quy mô hoạt động, tốc độ tăng trưởng tín dụng, trợ lực cho người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả và góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn huyện.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc