Multimedia Đọc Báo in

Chính sách tín dụng ưu đãi: Tiếp sức cho người nghèo

08:23, 02/11/2022

Từ chính sách tín dụng ưu đãi, các hộ nghèo, cận nghèo huyện Ea Kar đã có thêm điều kiện để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn phát huy hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vươn lên từ tín dụng ưu đãi

Từng là hộ nghèo của thôn 19, xã vùng III Cư Bông nhưng đến năm 2019, gia đình anh Trương Xuân Tùng đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi.

Từ năm 2009 đến 2018, gia đình anh Tùng đã có 4 lần vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 92 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chịu thương, chịu khó, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, gia đình anh có tiền trả lãi và gốc đúng hạn.

Quyết tâm thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đầu năm 2022, gia đình anh mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng vốn cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi bò.

Gia đình Hoàng Thị Xuân (bìa trái) ở thôn 23 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) chăm lo cho 4 con học cao đẳng, đại học từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn góp phần mang đến niềm vui và hạnh phúc khi đã “tiếp sức” cho con em của nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn học hành đến nơi đến chốn.

Đơn cử như gia đình bà Hoàng Thị Xuân ở thôn 23 (xã Cư Bông), bốn người con của bà có thể theo học và tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đều nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.

Khoe số giấy khen của các con, bà Xuân bày tỏ: “Nhớ lại ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo vì biết lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học. Nhưng nhờ có chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà các con đều đạt được mơ ước của mình, có việc làm ổn định”.

Không những vậy, để “tiếp sức” cho gia đình bà Xuân, các tổ chức đoàn thể còn tín chấp cho gia đình bà được vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch - vệ sinh môi trường để đầu tư chăn nuôi bò, trồng cà phê và cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình. Sử dụng vốn đúng mục đích, năm 2021, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, trả hết khoản vay học sinh, sinh viên, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Tại xã Cư Yang, năm 2004 tổng dư nợ ban đầu chưa đến 400 triệu đồng thì đến nay đã lên 40 tỷ đồng cho 1.208 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, giai đoạn 2016 - 2021, toàn xã Cư Yang có 460 hộ thoát nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Cư Yang Nguyễn Mạnh Hùng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự là “bà đỡ” cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, chăm lo cho con theo đuổi ước mơ học tập, cải thiện điều kiện nước sạch, vệ sinh hộ gia đình, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Với hình thức cho vay tín chấp, người dân không phải băn khoăn đến vấn đề tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng nên cũng đã hạn chế tình trạng rơi vào "bẫy" nợ của tín dụng đen.

Đưa vốn đến tận người dân

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác đã được khơi thông ở khắp các vùng quê trên địa bàn huyện Ea Kar. Từ hai chương trình tín dụng (hộ nghèo, giải quyết việc làm) nhận bàn giao của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Kho bạc Nhà nước huyện (năm 2003) với tổng dư nợ 7,8 tỷ đồng, đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ea Kar đã thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể với tổng dư nợ gần 520 tỷ đồng. Điều đáng nói, bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, huyện Ea Kar cũng quan tâm bố trí ngân sách hằng năm từ 1 - 1,5 tỷ đồng ủy thác cho NHCSXH huyện giải ngân.

Nông dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar) phát triển mô hình trồng nhãn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Ea Kar, phần lớn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp, mở thêm ngành nghề phụ, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã mở 16 điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn, thực hiện các hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, gửi tiền tiết kiệm... vào một ngày cố định trong tháng. Mỗi xã, thị trấn có 1 cộng tác viên của NHCSXH. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của 381 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân. Qua đó, góp phần đưa chính sách tín dụng ưu đãi “phủ sóng” đến mọi đối tượng thuộc diện ưu tiên.

Sau 20 năm (2002 - 2022) triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, toàn huyện Ea Kar có 1.761 đối tượng chính sách được vay vốn làm nhà ở; 10.792 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 31.584 lượt hộ dân được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; tạo việc làm cho trên 15.000 lao động; giúp 27.630 lượt hộ thoát nghèo.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.