Multimedia Đọc Báo in

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột: Động lực mới cho đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

07:58, 16/11/2022

Tại phiên họp sáng 15/11, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Nghị quyết). Đây là cơ sở để tạo động lực lớn cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Quyết sách này đã mang niềm vui, kỳ vọng lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và cử tri địa phương.

Nhiều ưu đãi quan trọng

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt…

Được Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội lớn để TP. Buôn Ma Thuột phát triển mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Thế Hùng

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột nhằm thực hiện chủ trương, định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND tỉnh Đắk Lắk quyết định.

Chính phủ được Quốc hội giao chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi; thực hiện các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh khi áp dụng các chính sách thí điểm phù hợp với vị trí chiến lược của TP. Buôn Ma Thuột và vùng Tây Nguyên.

Cơ hội để bứt phá

Chia sẻ ngay sau phiên họp sáng 15/11, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đã bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành rất cao. Trước đó, thảo luận tại nghị trường, các đại biểu cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với dự thảo nghị quyết, đồng tình ủng hộ và đề xuất mở rộng nội dung các chính sách. Sau khi Nghị quyết có hiệu lực, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể để điều phối, giám sát, kiểm tra trong quá trình triển khai. Về phía địa phương cần bám sát các văn bản, nghị quyết của Trung ương để triển khai tích cực, hiệu quả. “Tôi rất hy vọng và tin tưởng đây là cơ sở để TP. Buôn Ma Thuột phát triển xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên như Kết luận 67 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã xác định”, bà Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm (Trong ảnh: Một dự án sản xuất cà phê xuất khẩu trong Cụm công nghiệp Tân An 1).

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Căn cứ vào Kết luận 67 của Bộ Chính trị, Chương trình thực hiện của Chính phủ là Nghị quyết 103, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết triển khai và TP. Buôn Ma Thuột cũng có chương trình hành động để cụ thể hóa các quyết sách của Trung ương đối với thành phố. Trong đó, đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội để TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột là cơ sở và nguồn lực to lớn để thực hiện những mục tiêu mà Kết luận 67 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Với cơ chế này, nguồn lực tài chính sẽ tiếp tục được đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó cải tạo các con suối trên địa bàn thành phố, tạo cảnh quan đặc thù cho thành phố xanh, sinh thái và mang bản sắc riêng. Đồng thời, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã đang xây dựng nông thôn mới, các buôn dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thông qua cơ chế đặc thù sẽ thu hút được các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Cùng với đó, TP. Buôn Ma Thuột cũng sẽ quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại thành phố, tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết thêm, những nội dung, cơ chế chính sách khác cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển của thành phố trong thời gian tới. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương rất tâm đắc và quyết tâm thực hiện chủ trương xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị nông nghiệp, sinh thái gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đề án đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Đây là những nhân tố sẽ góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc.

TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên trong cả nước được Quốc hội trao cơ chế, chính sách đặc thù. Thành phố có vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng ở khu vực Tây Nguyên, do đó, những chính sách sẽ góp phần kết nối, tạo động lực cho phát triển đối với các địa phương khác trong vùng.

Lan Anh - Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.