Mở lối đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại
Với mong muốn đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại.
Không dễ đưa nông sản vào siêu thị
Đắk Lắk có nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh nhưng “con đường” để tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại không đơn giản. Hiện nay, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh rất khó tiếp cận với kênh phân phối lớn. Để đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại, nhà cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt yêu cầu... và nhiều thách thức khác.
Ba sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Trung Hòa gồm: cà phê bột, cà phê hạt rang và cà phê Honey của Công ty Cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa (huyện Cư M’gar) đã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh. Đơn vị đang nỗ lực kết nối để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO, nhưng vẫn chưa được. Ông Trần Văn Phương, Giám đốc công ty cho biết, trở lực lớn nhất mà DN gặp phải là vốn. Bởi để vào được hệ thống siêu thị, ngoài vấn đề tiên quyết là chất lượng, bao bì thì nhà cung cấp còn phải có dòng vốn đủ mạnh để trả các chi phí như: mở mã hàng, thuê gian hàng, phí lưu kho, phí vận chuyển và yêu cầu chiết khấu cao...
Cà phê bột Trung Hòa (huyện Cư M'gar) nâng cao chất lượng, mẫu mã để xúc tiến lên kệ hàng ở siêu thị. |
Tương tự, quả bơ của Hợp tác xã (HTX) Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất theo quy trình VietGAP, có chứng nhận hữu cơ, có tem chứng nhận đối với hai loại bơ booth và bơ sáp trái vụ. HTX hiện đang liên kết với 14 hộ nông dân trồng bơ trên diện tích 14 ha. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 150 tấn bơ các loại, trong đó 90 tấn vào hệ thống cửa hàng, chuỗi siêu thị tiện lợi ở các tỉnh thành trong cả nước, còn lại tiêu thị ở thị trường tự do.
Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX chia sẻ, đơn vị cũng từng làm việc với một vài chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại lớn hơn như MM Mega Market, GO... nhưng vẫn chưa thể đưa sản phẩm xâm nhập được. Nguyên nhân do chưa thể xây dựng được vùng nguyên liệu đa giống đủ lớn, bảo đảm nguồn hàng cung ứng liên tục, ổn định quanh năm.
Theo tính toán của ông Hùng, để có nguồn hàng cung cấp cho các siêu thị lớn thì năng lực của HTX phải đạt sản lượng khoảng từ 300 - 500 tấn quả mỗi năm, trong khi đó, việc quy hoạch lại vùng trồng, vận động bà con liên kết để mở rộng diện tích canh tác hiện không dễ dàng.
Tăng cường kết nối
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay nông sản của tỉnh tiêu thụ ở kênh phân phối hiện đại đạt tỷ lệ chưa cao. Nhiều nông dân còn chưa quan tâm đến các tiêu chí để sản xuất bền vững như tuân thủ quy trình sản xuất, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều... dẫn đến khó “đặt chân” vào siêu thị.
Các doanh nghiệp của tỉnh tham gia ký kết hợp tác, đưa hàng vào hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail. |
Để tìm lối ra bền vững cho nông sản thì cần chủ động thay đổi phương thức canh tác; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân; hướng đến sản xuất có chứng nhận VietGAP, hữu cơ; chú trọng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, đồng nhất về chất lượng, hình thức..." . Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương
|
Trong khi đó, theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh, để nông sản vào kênh phân phối bán lẻ hiện đại đòi hỏi tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, sản lượng, có đủ hồ sơ pháp lý, có truy xuất nguồn gốc... Ngoài các giấy tờ chứng nhận liên quan về sản phẩm thì siêu thị sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế định kỳ tại cơ sở.
Với mục tiêu kết nối, đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, Sở Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương để thông tin, kết nối hợp tác với DN phân phối, hệ thống các siêu thị. Bước đầu đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, thúc đẩy đưa hàng hóa địa phương đến với người tiêu dùng cả nước.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa nhà sản xuất thực phẩm đặc sản, OCOP Đắk Lắk với nhà phân phối đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail (sở hữu các chuỗi siêu thị GO, Mini go!, TopsMarket, LanChi). Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN sản xuất và nhà phân phối, đóng vai trò quan trọng để tìm lối ra bền vững cho nông sản thế mạnh của tỉnh.
Thông qua hoạt động này có 11 DN với gần 30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao sẽ được lên kệ siêu thị GO Buôn Ma Thuột với hình thức trưng bày sản phẩm. Đặc biệt, có 3 DN gồm: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông trại EDE, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương với 10 sản phẩm thuộc nhóm DN tiên phong tự chủ động chào hàng sẽ đi đến bước cuối cùng của quá trình đàm phán là cùng với phòng mua hàng của Central Retail lựa chọn, tiến hành đưa sản phẩm lên kệ hàng trong toàn hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail trên cả nước.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc