Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Sẽ hỗ trợ cấp mã số vùng trồng với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu

10:40, 01/11/2022

UBND TP. Buôn Ma Thuột vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao TP. Buôn Ma Thuột năm 2022.

Kế hoạch được triển khai với mục tiêu cụ thể: phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết giá trị và nâng cao thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp; phát triển chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

Đồng thời thực hiện tái cơ cấu lại và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành một số mô hình trung tâm giống cây, giống con; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực; phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, không gian xanh, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc đảm bảo chuyên nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp.

th
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP. Buôn Ma Thuột sẽ triển khai các bước cụ thể như: xây dựng phần mềm “Quản lý phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao” và triển khai cập nhật số liệu về nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố; xác định các vùng trọng điểm nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại đô thị; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các phường. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố sẽ làm việc với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cam kết bố trí gian hàng và hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các phường, xã; làm việc với các trường học có bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố cam kết sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng của các phường, xã. Xây dựng các điểm kết nối và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các phường, xã; triển khai thực hiện chương trình mỗi phường, xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2022, phấn đấu có 8 - 10 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố và được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên; có 1 - 2 sản phẩm được đánh giá nâng hạng sao; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái liên kết theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại các vùng sản xuất chủ lực…

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp từ thành phố đến thôn, buôn, tổ dân phố và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao, gắn với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao gắn với dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp và chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Thành phố sẽ hỗ trợ cấp mã số vùng trồng với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu các nông sản chất lượng cao của thành phố; chuyển đổi số trong công tác quản lý phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố…

Tập trung triển khai thực hiện tốt các các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 9/3/2022 về việc phê duyệt Đề án Xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.