Điệp khúc “trồng - chặt” và nguy cơ bất ổn cho những ngành hàng nông sản
Hầu hết người nông dân đều có chung tâm lý cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì lựa chọn để sản xuất, bất chấp quy hoạch lẫn cảnh báo của cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế điều đó đã và đang diễn ra hết sức rõ ràng tại những vùng chuyên canh một số loại cây trồng có thế mạnh của Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu, bơ và gần đây là sầu riêng. Tùy theo thời điểm, giá cả của thị trường mà người sản xuất ở đây “ứng xử” với các loại cây trồng này mà không hề quan tâm đến những hệ lụy sau đó…
Ví như thời “hoàng kim” của cà phê (1994 – 2002), hầu hết các nông hộ trên địa bàn Đắk Lắk đua nhau trồng loại cây đặc sản này, bất kể đất đai, khí hậu và nhất là nguồn nước ở đó có bảo đảm hay không. Kết quả là đã phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp địa phương. Thay vì chỉ dừng lại từ 150.000 – 180.000 ha (đáp ứng đủ các yếu tố sinh thái như đã nêu), diện tích cà phê ở Đắk Lắk vào thời điểm trên đã vọt lên con số hơn 280.000 ha. Hệ lụy kéo theo là cung vượt cầu, cộng thêm nhiều tác động bất lợi của thị trường cà phê thế giới lúc bấy giờ khiến giá cà phê sụt giảm thê thảm, có lúc rớt uống tận đáy 4 triệu đồng/tấn nhân xô trong những năm 2008 – 2013. Thực trạng ấy khiến đời sống của người nông dân trở nên lao đao hơn bao giờ hết, nhất là số nông hộ độc canh với cà phê. Đó là chưa kể tới diện tích cà phê ngoài quy hoạch hơn 100.000 ha đã góp phần vắt kiệt nguồn nước tưới (đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện hữu) dẫn đến tình cảnh khô hạn tràn lan, không những đối với cây cà phê mà nhiều loại cây trồng khác cũng phải gánh chịu, gây nguy cơ bất ổn cho ngành nông nghiệp Đắk Lắk, trong đó có ngành hàng chiến lược cà phê.
Dĩ nhiên một khi cà phê không còn hấp lực nữa, người ta chặt bỏ để trồng cây khác - và hồ tiêu vào những năm 2015 – 2018 là loại cây trồng có “sức hút” nhất, bởi giá cả có lúc lên tới 200 nghìn đồng/kg nên được mọi người, mọi nhà chọn lựa như “ưu tiên số một” trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương. Từ diện tích hồ tiêu khoảng 2.700 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Cư Kuin… đã được đẩy lên hàng chục nghìn héc-ta và nhanh chóng mở rộng ở hầu hết các huyện thị trên địa bàn Đắk Lắk với phương thức canh tác hết sức liều lĩnh, bất chấp rủi ro (không cần lựa chọn giống); trụ tiêu thì đủ kiểu, từ gỗ, gạch, cọc xi măng, cây gòn và kể cả tre nứa đều được tận dụng. Kết cục, loại cây trồng này cũng đi vào “vết xe đổ” như cà phê - rớt giá dần, không đủ chi phí tái đầu tư và hiển nhiên người trồng không còn mặn mà với cây hồ tiêu nữa.
Thu hoạch sầu riêng tại huyện Krông Pắc. |
Hiện tại, đến lượt sầu riêng lên “ngôi vương”, nhất là khi loại trái cây này được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch càng hấp dẫn người trồng hơn bao giờ hết. Người nông dân ở Đắk Lắk không ngần ngại dốc vốn đầu tư cho cây trồng này - và chỉ trong vòng hơn 5 năm qua, diện tích cũng như sản lượng sầu riêng ở đây đã vượt hơn 15.000 ha, đạt sản lượng xấp xỉ 300.000 tấn, đứng thứ hai cả nước (chỉ sau Tiền Giang). Đến nay, sầu riêng được xem là đã góp phần làm giàu cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn tỉnh. Vì thế, ở hầu hết 15 huyện, thị xã và thành phố đều đổ xô trồng sầu riêng vì bài toán kinh tế hiện đã có lời giải rõ ràng và quá hấp dẫn đối với người sản xuất. Được biết với 1 ha cà phê hoặc hồ tiêu, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu nhập của người nông dân chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng với diện tích đó, nếu trồng sầu riêng, có thể thu về 500 - 700 triệu đồng/vụ. Do vậy, tình trạng chặt bỏ (hoặc không đầu tư thêm) cà phê, hồ tiêu, bơ, mít… để tập trung “nuôi” sầu riêng đang là thực tế/ xu thế không thể cản nổi tại nhiều địa phương ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk dự báo trong vài năm tới, diện tích cũng như sản lượng sầu riêng trên địa bàn tỉnh sẽ tăng gấp đôi - và theo đó thì cơ hội đi kèm với thách thức đặt ra như: quy hoạch, xây dựng và cấp mã vùng trồng (theo yêu cầu từ phía Trung Quốc); quản lý, giám sát việc thực hiện dịch hại tổng hợp trên cây trồng; nguy cơ xảy ra tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng toàn cục đến cả ngành hàng và cuối cùng là ý thức tạo dựng, giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng loại trái cây đang “hot” này.
Vì thế, nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (trong dịp tham dự và chứng kiến Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc theo đường chính ngạch) - rằng sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác, muốn đi xa và tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản ấy cần phải chung sức, hợp tác để cùng phát triển. Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, nhất là những địa phương có vùng trồng phải “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư. Từ đó xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế. Đây là đường hướng bắt buộc ba bên (Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân) phải tuân thủ thực thi - và trên lộ trình ấy, cơ hội mở ra đi kèm với thách thức đối với mỗi ngành hàng nông sản ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, để không còn “điệp khúc trồng - chặt” như đã từng xảy ra trong suốt nhiều thập niên qua.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc