Multimedia Đọc Báo in

Giai đoạn 2002 - 2022, gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo

15:52, 29/12/2022

Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/NĐ/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 (Nghị định 78) của Chính phủ.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí H’Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Tính đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng so với năm 2002. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 271.101 tỷ đồng so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê hơn 29.700 căn nhà ở xã hội...

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống còn 2,23%...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, những kết quả đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình của Chính phủ về tín dụng chính sách, trong đó cần lưu ý rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị; tập trung huy động các nguồn lực tài chính; tăng cường công tác kiểm tra giám sát. 

Đồng thời cần củng cố kiện toàn, tinh gọn bộ máy hoạt động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số; thực hiện tốt các chính sách cho vay vốn, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng khác.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giám sát phản biện xã hội; lồng ghép giữa cho vay vốn và đào tạo nghề.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tiếp tục xác định hoạt động tín dụng chính sách là một hoạt động thường xuyên; rà soát, quan tâm bổ sung thêm chính sách đối với những hộ nghèo, cận nghèo để tạo điều kiện cho các hộ dân nâng cao hiệu quả nguồn vốn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.