Những "quả ngọt" trong chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ, Đắk Lắk tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số hướng đến các ngành, lĩnh vực và mọi mặt của đời sống, góp phần đưa Đắk Lắk vào nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất năm 2025.
Hiện đại hóa quản lý thuế trên nền tảng điện tử
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa công tác quản lý thuế là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế tỉnh rất quan tâm. Nhờ chủ động áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Năm 2022, Đắk Lắk là một trong 57 tỉnh, thành phố triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2 từ tháng 4/2022. Sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các TTHC, an toàn, bảo mật. Đồng thời giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, hạn chế tình trạng lưu thông hóa đơn giả trên thị trường. Hiện nay, chỉ với chiếc điện thoại có kết nối mạng Internet, cá nhân, hộ kinh doanh chủ động tra cứu thông tin, thực hiện nghĩa vụ thuế trên ứng dụng điện tử eTax Mobile.
Cán bộ thuế TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng eTax Mobile. |
Qua hơn 2 tháng trải nghiệm những tiện ích từ ứng dụng eTax Mobile, chị Bùi Thị Thu Sương, chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Trước đây, hằng tháng, tôi phải trực tiếp lên trụ sở của cơ quan thuế để nộp. Từ khi cài đặt ứng dụng eTax Mobile, chỉ cần trong tài khoản ngân hàng có tiền, ngồi ở đâu tôi cũng nộp thuế được. Ứng dụng này cũng tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân về việc thực hiện nghĩa vụ thuế nên tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”.
Hiện nay, 100% người nộp thuế trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử đã đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Cơ quan thuế cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử cho 32.668 người nộp thuế, trong đó có 8.500 người nộp thuế cài đặt và sử dụng ứng dụng eTax Mobile giao dịch với cơ quan thuế.
Xóa nhòa ranh giới bằng khám chữa bệnh từ xa
Thay vì phải chuyển những ca bệnh khó, nguy kịch lên tuyến Trung ương thì với hệ thống Telehealth, hàng chục bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã được các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện tuyến trên chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả dựa trên kết quả xét nghiệm, hình ảnh chụp X-quang, cắt lớp vi tính…
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới qua hệ thống Telehealth. |
Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân N.T.D. (70 tuổi) ở TP. Buôn Ma Thuột bị tai biến mạch máu não, đái tháo đường… dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Khi nội soi dạ dày, đại tràng không xác định được điểm xuất huyết để xử lý cầm máu. Nhận định đây là ca bệnh khó, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì khả năng cao sẽ tử vong trên đường đi. Vì vậy, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên quyết định hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để có phương án xử trí tốt nhất. Với sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn, đưa ra phác đồ điều trị của chuyên gia đầu ngành, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sau 10 ngày điều trị.
Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, ngoài kết nối với tuyến Trung ương, bệnh viện còn thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện. Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, phương thức này còn giúp bác sĩ học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, cải thiện năng lực y tế mà không mất chi phí đào tạo, thời gian di chuyển. Đây là giải pháp quan trọng mang đến lợi ích cho cả người bệnh và cơ sở y tế, xóa nhòa ranh giới giữa các tuyến, phát huy hiệu quả việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Dễ dàng theo dõi tình trạng các lô hàng vận chuyển
“Áp dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong sản xuất, kinh doanh đã làm thay đổi phương thức làm việc, cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những yếu tố then chốt để công ty phục hồi, phát triển sau đại dịch COVID-19” - ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistic. |
Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistic là một trong những doanh nghiệp vận tải lớn tại TP. Buôn Ma Thuột với gần 100 phương tiện, chuyên vận tải hàng hóa đi các tỉnh, thành.
Trung bình mỗi năm, công ty vận chuyển khoảng 500 nghìn tấn hàng hóa các loại. Trước đây, khi chưa áp dụng hệ thống quản lý bằng công nghệ, việc điều hành, quản lý đơn hàng, công ty đều làm thủ công bằng excel, file mềm bảng kê… Mỗi khi có đơn hàng, nhân viên công ty phải cập nhật thông tin, gọi điện thoại, xếp lịch trình vận chuyển; đồng thời liên tục cập nhật tình hình đơn hàng cho khách hàng. Khi đơn hàng giao thành công, nhân viên gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email đến từng khách hàng thông báo. Tất cả những công đoạn trên đều mất nhiều thời gian, tốn chi phí nhân công và dễ sai sót.
Sau hơn 1 năm sử dụng hệ thống quản lý vận tải, công ty đã nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ logistics. Cụ thể, công ty quản lý, giám sát được chi tiết tiến độ vận chuyển, lượng hàng tồn kho, lên kế hoạch vận tải với chi phí thấp nhất. Khách hàng có thể chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng của mình, có cơ sở đánh giá hiệu quả công việc doanh nghiệp mang lại.
Tài xế Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistic sử dụng phầm mềm quản lý vận tải khi vận chuyển hàng hóa. |
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Tín Nghĩa Logistic cho biết, tính năng định vị xe, theo dõi hàng hóa, lộ trình vận chuyển… đã giúp công ty dễ dàng kiểm soát mọi hoạt động trong quá trình vận tải, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng hiệu suất công việc. Người quản lý cũng đơn giản hơn trong khâu xử lý khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong quá trình vận chuyển hàng. Thông qua các phản hồi tích cực của khách hàng, uy tín của doanh nghiệp cũng được nâng cao.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc