Multimedia Đọc Báo in

Cần nhiều giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước

06:59, 31/01/2023

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, nhất là biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về bảo vệ nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Vì vậy, Đắk Lắk cần sớm có những giải pháp căn cơ để bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn.

Nhiều thách thức

Nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, với lượng mưa hằng năm từ 1.500 – 2.000 mm, mật độ sông suối lớn, địa hình đa dạng, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về thủy lợi, thủy điện, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng về công trình thủy lợi, hiện trên địa bàn tỉnh có 855 công trình (gồm 618 hồ chứa, 159 đập dâng, 76 trạm bơm và 2 tuyến đê bao); tổng chiều dài kênh mương trên 2.427 km, đã kiên cố hóa được hơn 1.593 km kênh mương các loại. Thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho 83,28% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới.

Khô hạn gây thiếu nước sản xuất, người dân trên địa bàn huyện Lắk buộc phải dùng máy bơm để tưới cho lúa.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra làm gia tăng tình trạng suy thoái nguồn nước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho nông nghiệp và sinh hoạt. Điều này cũng cho thấy rõ là Đắk Lắk ngày càng chịu ảnh hưởng của rất nhiều loại hình thiên tai khác nhau như hạn hán, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình hạn hán trên địa bàn Đắk Lắk diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là giai đoạn 2006 – 2020 (có khoảng 537.538 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khô hạn, thiệt hại hơn 9.755 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có gần 36.000 ha cây trồng bị hạn, thiệt hại hơn 650 tỷ đồng). Từ năm 2021 – 2022, cũng có hàng nghìn héc ta cây trồng ở các huyện như M’Drắk, Lắk,  Ea H’leo…, TX. Buôn Hồ bị ảnh hưởng khô hạn cục bộ.

Có thể thấy rằng, tài nguyên nước đang đối mặt rất nhiều thách thức lớn và có nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước mà hệ quả của nó là đe dọa đến đời sống dân sinh, ổn định kinh tế - xã hội. Mặc dù hiện nay, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được những kết quả tích cực.

Việc triển khai các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước luôn được thực hiện quyết liệt; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên…

Nhưng trên thực tế, nguồn lực đầu tư để bảo đảm an ninh nguồn nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi còn rất thấp so với nhu cầu. Việc suy giảm diện tích thảm phủ thực vật làm gia tăng dòng chảy lũ và suy giảm dòng chảy kiệt cũng ảnh hưởng đến nguồn nước về mùa khô.

Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước…

Khô hạn gây thiếu nước cho sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lắk.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và tính toàn cầu hơn lúc nào hết. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức của cộng đồng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.

Từ yêu cầu cấp bách này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chương trình đưa ra mục tiêu: Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý đúng quy định pháp luật; chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Hồ chứa nước Ea H’leo 1 (huyện Ea H'leo) cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 10.000 người dân trong vùng dự án.

Chương trình cũng đề ra các giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện và cụ thể hóa thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn hồ, đập; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…

Trong các giải pháp nêu trên thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng nước nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Trên cơ sở đó xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong thực hiện công tác này. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, giám sát tổ chức và vận động nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, bền vững, hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị: đến năm 2025, Đắk Lắk hoàn thành quy hoạch, đề án có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; tỷ lệ cấp nước bình quân tại các đô thị đạt 95% hộ gia đình và ở nông thôn đạt 60% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đến năm 2030, cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; ở đô thị đạt 100% hộ gia đình và ở nông thôn đạt 80% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.