Lãi vay ngân hàng: Tín hiệu tích cực từ đầu năm
Cuối năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế và là sự hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế năm nay dự đoán sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp kêu gọi các TCTD đồng thuận giữ lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm. Cùng với việc hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/năm so với trước, nhiều ngân hàng cam kết giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Nam A bank Ea H'leo. |
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, từ tháng 12/2022 đến hết ngày 31/3/2023, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất, kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thì giảm 1%/năm lãi vay cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp đang có khoản vay và có giao dịch từ ngày 6/12/2022 đến 31/1/2023. Đối với Ngân hàng Quốc tế (VIB), áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm cho khách hàng trong thời gian từ ngày 10/10/2022 đến 30/06/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh. Về phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cam kết sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh, thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến hết 30/4/2023…
Một phòng giao dịch thuộc hệ thống Vietcombank Đắk Lắk. |
Đến nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 3,49%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất 6,36% thời điểm đầu tháng 11/2022. Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đã giảm xuống chỉ còn 4,24%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lên tới trên 7% trước đó hai tháng. Việc hạ lãi suất cho vay thời điểm này là rất đáng ghi nhận, bởi các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí vốn tăng cao, rủi ro nợ xấu... Đây được coi là một trong những thông điệp tích cực dự báo mặt bằng lãi suất chung có thể tiếp tục “hạ nhiệt” trong năm 2023, cung cấp nguồn tiền cho kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với lãi suất hợp lý.
Ngày 22/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 9064/NHNN-TD yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới. Cụ thể, các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro. Tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các động lực tăng trưởng kinh tế (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Về lãi suất, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, tất cả các TCTD phải giảm lãi suất cho vay, mức giảm dựa trên năng lực của từng TCTD. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc