Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

08:23, 19/03/2023

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương và du khách trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội tiêu biểu, giàu bản sắc của vùng đất Đắk Lắk.

Ở đó, người trồng, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê được tôn vinh, bởi chính họ đã góp phần đưa hương vị đặc sản này ra khắp năm châu, từng bước khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên bản đồ cà phê thế giới.

Với Đắk Lăk, qua 8 kỳ diễn ra lễ hội trên cũng nhằm hướng đến mục tiêu ấy - và hơn thế là để chủ thể của ngành hàng chiến lược này lắng nghe, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý (kinh tế, văn hóa, xã hội) nhằm hoàn thiện hơn từng bước đi trong lộ trình xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột xứng tầm là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam. Trong mỗi bước đi ấy, điều quan trọng nhất - nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) tham quan vùng cà phê cảnh quan huyện Krông Năng trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ảnh: Thuận Nguyễn

Có thể nói, mong mỏi của vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp nước nhà đã và đang được chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành liên quan hiện thực hóa bằng nhiều chính sách, chủ trương phù hợp, kịp thời và xuyên suốt. Còn nhớ ngay từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2005 nhằm quảng bá, tôn vinh cộng đồng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê trên địa bàn Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lạng phát đi thông điệp: Thông qua hoạt động này nhằm kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư có chiều sâu và bền vững hơn cho hàng vạn nông hộ sản xuất cà phê ở đây; để làm sao khi nhìn vào đó ai cũng nhận ra đời sống của người gắn bó với loại cây trồng ấy có nét đặc trưng, khác biệt so với các vùng miền khác trong đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng như thụ hưởng lợi tức từ ngành hàng chiến lược này. Và trên thực tế, có thể nói cà phê đã đem lại cuộc sống sung túc cho người dân Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung từ nhiều thập niên qua, nhất là khi loại cây trồng đặc sản ấy được xác định là ngành hàng quan trọng và chủ lực trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ đây, sản phẩm cà phê được đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, năng suất, chất lượng hơn nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Do vậy, người trồng cà phê ngày thêm gắn bó với vườn rẫy của mình - từ trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến, mua bán và đến thưởng thức qua từng niên vụ. Dù được giá hay rớt giá, dân cà phê vẫn chung thủy với dư vị mà mình đã chọn - không ít nông hộ đã tâm tư như thế và họ cùng mong mỏi rằng, chính sách “Tam nông” (nông dân - nông nghiệp - nông thôn) của Đảng và Nhà nước cần đi vào thực chất, trọng tâm hơn đối với đời sống của người dân tại những vùng trồng cà phê chuyên canh và rộng lớn như Đắk Lắk; để làm sao người nông dân không còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa khiến chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng cà phê ở đây chưa phát huy mạnh mẽ được.      

Phần thi "Nhà nông sáng tạo" của đội Đắk Lắk tại Hội thi Nhà nông đua tài trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ về điều này, Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, từ hơn 10 năm trước, Bộ NN-PTNT đã triển khai Đề án xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên, trong đó có cà phê Đắk Lắk, nhưng mức độ thành công ra sao còn do chính quyền địa phương hợp sức với cộng đồng doanh nghiệp tham gia nhằm hướng dẫn, tác động giúp bà con nông dân cùng thực hiện. Đối với Đắk Lắk, vấn đề được đặt lên hàng đầu và cốt yếu nhất là tìm cách nâng cao chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng cà phê đã được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Các giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết cà phê đã được xúc tiến tích cực trong những năm gần đây. Cụ thể, về sản xuất và chế biến ngành hàng này đang có những chuyển biến/chuyển dịch khá hiệu quả như đẩy mạnh việc tái canh vườn cà phê; tiếp tục đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sạch tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến (nhất là chế biến sâu) để đa dạng hóa sản phẩm cà phê trên thị trường nội địa và quốc tế. Đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng yêu cầu của người mua và đối tác xuất khẩu; hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học - kỹ thuật để người nông dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, hầu hết 15 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực củng cố tổ chức và phương hướng hoạt động của hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng hiệu quả và bền vững từ người trồng cà phê đến nhà xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, mong muốn làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng này luôn được đặt ra hàng đầu và xuyên suốt. Mỗi kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức thì mục tiêu ấy luôn được quan tâm, thực hiện với tinh thần, thái độ chân thành, cầu thị để người trồng cà phê cũng như cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê ở đây yên tâm hợp tác, phát triển. Kỳ lễ hội thứ 8 vừa qua là một bước tiến cho sự nỗ lực và quyết tâm trên, trong đó Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" được xem là “kịch bản” để hiện thực hóa danh xưng/chủ đề “Buôn Ma Thuột, điểm đến của cà phê thế giới”, là “thủ phủ” cà phê Việt Nam.

                                  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.