Multimedia Đọc Báo in

Định vị giá trị cà phê Việt Nam

06:45, 13/03/2023

Suốt 20 năm qua, Việt Nam giữ vững vị thế là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta. Trong đó, Đắk Lắk là thủ phủ với sản lượng chiếm hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, để khẳng định chất lượng Robusta trên thị trường thế giới, Việt Nam - Đắk Lắk cần định vị lại giá trị sản phẩm cà phê.

Gia tăng vị thế cho cà phê Robusta

Trong hơn 40 năm phát triển ngành cà phê Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước, Đắk Lắk luôn dẫn đầu về diện tích, sản lượng cà phê. Tính đến năm 2022, diện tích cà phê đã đạt trên 213.000 ha, với sản lượng hơn 526.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích cũng như sản lượng của cả nước. Điều đáng chú ý, từ năm 2002, Đắk Lắk đã đi đầu thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (như 4C, UTZ, RA, FLO) và gần đây là cà phê hữu cơ. Đồng thời, “Cà phê Buôn Ma Thuột” là Chỉ dẫn địa lý cà phê đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng cho phát triển khởi nghiệp, hình thành thế hệ làm cà phê thời kỳ mới.

Nông dân được đào tạo chế biến cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng).

Đặc biệt, từ năm 2019, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, Đắk Lắk đã khởi xướng phát triển cà phê đặc sản. Qua các sự kiện này, xu hướng thị trường, cơ hội, thách thức và những điều kiện để phát triển cà phê đặc sản của Việt Nam được nhận diện. Và từ đó đến nay, cà phê đặc sản Robusta từ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc, được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu số lượng lớn.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng, chất lượng, chúng ta cần khai thác phân khúc cà phê Robusta đặc sản. Bởi thị trường cà phê đang thay đổi nhanh chóng, Robusta không chỉ chiếm tỷ trọng sản lượng lên 40% và còn được nhìn nhận đúng hơn về chất lượng khi cà phê Fine Robusta (cà phê đặc sản Robusta) xuất hiện ngày càng nhiều ở các hội chợ, triển lãm cà phê đặc sản, các cuộc thi cà phê nhân, thi rang, thi pha chế và nhiều nhà rang, nhà nhập khẩu quan tâm tìm kiếm nguồn hàng.

Xây dựng lộ trình dài hạn cho cà phê Robusta

Thế giới đang trong “làn sóng cà phê thứ ba”, theo đó quan điểm về chất lượng cà phê không chỉ gói gọn trong từng hạt cà phê mà còn mở rộng ra cả quá trình từ chọn giống, trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và đến cả cách thưởng thức cà phê. Thực tế này đòi hỏi sản xuất cà phê chất lượng cao phải xem xét tất cả các yếu tố nêu trên.

Chế biến cà phê đặc sản ở Nông trại Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột).

Hiện nay, Việt Nam vẫn là cường quốc về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới, với 710.600 ha, trải rộng trên 20 tỉnh, sản lượng cà phê nhân đạt hơn 1,8 triệu tấn; sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn 2015 - 2021 dao động trong khoảng 1,2 - 1,68 triệu tấn cà phê các loại; chiếm 10% thị phần thị trường cà phê nhân thế giới. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, bởi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô (nguyên liệu) nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.

Từ việc nhìn nhận được vị thế cũng như lợi thế của cà phê Việt Nam, ngành cà phê đang thay đổi để hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, bền vững, cung cấp cà phê chất lượng cao ra thị trường. Định hướng này được cụ thể hóa ở nhiều chính sách và chương trình của Chính phủ, với nhiều giải pháp chiến lược từ sản xuất đến thương mại. Ngành cà phê Việt Nam cũng đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành hàng cà phê trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT đã ban hành Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, đây là chính sách rất quan trọng, chính thức mở ra thời kỳ phát tiển ngành cà phê của đất nước theo hướng nâng cao giá trị bằng con đường chất lượng. Mặc dù hiện nay, tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam, nhưng đây là một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt, phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Do đó, cần bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình dài hạn để phát triển cà phê Việt Nam theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, chất lượng cà phê Việt Nam hiện được đánh giá rất cao trên thị trường toàn cầu, chất lượng ổn định và đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường, nhưng hiện nay vẫn bị ép giá do thương hiệu quốc gia của cà phê Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, cần nâng tầm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thành lễ hội cà phê quốc gia; cà phê là sản phẩm quốc gia và khẳng định Việt Nam là trung tâm của cà phê Robusta thế giới, TP. Buôn Ma thuột là "thành phố cà phê Robusta thế giới", nơi có sản phẩm ngon, ổn định nhất thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” (ngày 4/3 tại TP. Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ nhiều băn khoăn: "Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới là điều chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta. Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Arabica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn hai dòng này lại? Chúng tôi muốn truyền thông điệp là muốn tăng giá trị cà phê lên 5 - 10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường, nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta nói câu chuyện chế biến tinh thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp…".

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.