Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là lễ hội mang tầm vóc cấp quốc gia và đã trở thành một sự kiện nổi bật, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Sau hai năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tháng 3/2023, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (gọi tắt là Lễ hội) sẽ trở lại trong sự mong chờ của nhiều người.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, lan tỏa thông tin về Lễ hội, Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực Tiểu ban Truyền thông Lễ hội đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề… phối hợp cùng thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Lễ hội đến tổ chức, hội viên, người lao động trực thuộc để lan tỏa thông tin, hưởng ứng tham gia.
Đồng thời liên kết Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Fanpage Buon Ma Thuot Coffee Festival với các kênh truyền thông của đơn vị trên các nền tảng mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Zalo, Instagram… nhằm mở rộng kênh quảng bá, đưa thông tin về Lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước.
Điểm uống miễn phí sô cô la và cà phê do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE tổ chức. |
Nhằm phát huy tinh thần mỗi người dân, doanh nghiệp là một đại sứ truyền thông, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk – nơi được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam đến với đông đảo du khách thập phương, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Lễ hội. Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng, phát động phong trào quần chúng ở các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động chính thức trong Lễ hội, ngay từ những ngày cuối năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức Lễ hội và việc triển khai các hoạt động cũng như kết quả của Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ Lễ hội. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Lễ hội, trong đó chú trọng tuyên truyền các hoạt động trước, trong và sau Lễ hội, đặc biệt là Lễ khai mạc, bế mạc Lễ hội. Đồng thời tuyên truyền giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được thể hiện thông qua những hoạt động của Lễ hội, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế, xã hội của huyện…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức Lễ hội, thì việc thông tin tuyên truyền rộng rãi về Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực quan sinh động nhằm giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, hưởng ứng, tham gia Lễ hội đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng.
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Để phục vụ nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng du khách trong và ngoài nước vui chơi, thưởng thức Lễ hội, ngoài 18 hoạt động chính của tỉnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội.
TP. Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức phố đi bộ và thưởng thức cà phê miễn phí trên tuyến đường Phan Đình Giót. |
Tiêu biểu như UBND huyện Lắk tổ chức Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho voi, Liên hoan văn hóa cồng chiêng và Hội trại truyền thống trong hai ngày 11 và 12/3. UBND huyện Krông Pắc tổ chức Liên hoan biểu diễn lân sư rồng Đắk Lắk mở rộng khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tổ chức cho nhân dân và du khách tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Đồn điền CADA; thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên tại các khu du lịch cộng đồng và trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến, pha chế cà phê đặc sản từ ngày 10 - 13/3. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể dục thể thao dịp trước, trong và sau Lễ hội, như: Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar năm 2023 gắn với Lễ hội đua thuyền; Liên hoan văn hóa cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc huyện Krông Bông; Chương trình thôn/buôn vui chơi - thôn/buôn ca hát và Giải việt dã huyện M’Drắk; Giải bóng chuyền biên giới huyện Ea Súp; Lễ trồng cây thị xã Buôn Hồ…
Tại TP. Buôn Ma Thuột, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, UBND thành phố tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội như: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số năm 2023; triển khai thí điểm phố đi bộ và dịch vụ xe đạp công cộng; ra mắt và khai trương phố thưởng thức cà phê miễn phí trên tuyến đường Phan Đình Giót.
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai cho biết, Hội sẽ tổ chức buổi giao lưu với văn nghệ sĩ bốn phương; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày nhiếp ảnh Việt Nam và phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật về TP. Buôn Ma Thuột; trao giải và triển lãm ảnh nghệ thuật nhằm hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để hưởng ứng Lễ hội, các phòng, đơn vị thuộc Sở cũng tổ chức nhiều hoạt động như: Triển lãm tiêu bản voi, trưng bày chuyên đề "Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk"; giải việt dã tỉnh; chương trình âm nhạc nghệ thuật đường phố; trưng bày sách kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk...
Không chỉ các đơn vị, địa phương mà thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai hoạt động sôi nổi để hòa vào không khí chuẩn bị Lễ hội. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE với thương hiệu cà phê và sô cô la MISS EDE tổ chức Chương trình “Mời uống miễn phí sô cô la và cà phê hưởng ứng Lễ hội Cà phê 2023” với tổng cộng 50.000 ly sô cô la và cà phê miễn phí. Ngoài ra, MISS EDE còn tài trợ 1.000 hộp cà phê và sô cô la để phát tặng miễn phí cho du khách vào dịp Lễ hội đường phố diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE chia sẻ: "Là một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong ngành hàng cà phê và sô cô la, chúng tôi nhận thấy đơn vị cần chung tay đóng góp cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh đẹp của thành phố đến du khách và cả người dân địa phương".
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có nhiều chương trình, hoạt động mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp. Qua đó, Ban tổ chức kỳ vọng, Lễ hội sẽ tạo ra nhiều “cú hích” phát triển ngành nông nghiệp, ngành hàng cà phê cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, các địa phương đều đăng ký nhiều hoạt động, tham gia hưởng ứng sôi nổi với các sự kiện văn hóa, thể dục thể thao trải dài trước, trong và sau Lễ hội, tạo nhiều điều kiện cho du khách và nhân dân vui chơi, tham gia.
Theo báo cáo của Ban tổ chức Lễ hội thì đến thời điểm hiện tại có 11 địa phương đăng ký các hoạt động hưởng ứng Lễ hội, gồm các huyện: Buôn Đôn, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Ana, M’Drắk, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc