Multimedia Đọc Báo in

Tập trung tháo “nút thắt” cho sầu riêng

12:42, 22/03/2023

Phát triển trên vùng đất bazan màu mỡ, sầu riêng Đắk Lắk có nhiều lợi thế hơn hẳn những vùng khác trong cả nước về sản lượng và chất lượng, nhất là sầu riêng Dona - sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá trị kinh tế cao và thị trường đang rộng mở đã làm cho tốc độ phát triển của cây sầu riêng quá nhanh, gây ra nhiều bất cập, hạn chế trong sản xuất, quản lý vùng trồng cũng như các khâu liên quan đến xuất khẩu.

Để làm rõ những vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông VŨ ĐỨC CÔN, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.

* Sầu riêng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, với nhiều tiềm năng, thế nhưng việc phát triển loại cây trồng này ở Đắk Lắk đang bộc lộ nhiều bất cập. Xin ông cho biết đó là những điểm bất cập nào?

Không thể phủ nhận lợi thế và giá trị kinh tế cao mà cây sầu riêng đang mang lại cho người dân Đắk Lắk, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chính yếu tố này đã khiến việc phát triển sầu riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Trước hết là diện tích đang tăng mạnh, năm 2022 là trên 15.000 ha (tăng trên 12.000 ha so với năm 2015) và hiện người dân đang tiếp tục mở rộng trồng mới ở nhiều địa phương, với dự kiến năm 2023 diện tích sầu riêng toàn tỉnh lên trên 22.000 ha, trong đó có nhiều vùng trồng nhỏ lẻ, trồng xen và thiếu đồng bộ từ quy trình trồng, chăm bón.

Mặt khác, nhận thức của người dân về mã số vùng trồng cũng như việc tuân thủ các yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nhận thức về chủ thể đại diện và sử dụng mã số vùng trồng; một số doanh nghiệp thực hiện công tác liên kết vùng trồng chưa thực sự công khai, minh bạch. Tiếp đến là việc áp dụng các quy định như: quy trình sản xuất; quy trình kiểm soát dịch hại và quy trình thu hoạch sản phẩm tại vùng trồng chưa được đồng nhất. Một bất cập nữa là lực lượng chuyên môn của địa phương hiện còn hạn chế, mỗi huyện đã bố trí một cán bộ phụ trách hoạt động liên quan đến mã số vùng trồng nhưng lại đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Trong khi đó, việc kiểm tra thực tế tại vùng trồng cần nhiều thời gian dẫn đến quá tải trong việc thiết lập hồ sơ vùng trồng...

* Vậy ngành nông nghiệp của Đắk Lắk đã có những “kịch bản” nào để sầu riêng phát triển bền vững từ khâu sản xuất đến thị trường xuất khẩu, thưa ông?

Dự đoán được những tình huống phát triển khi giá trị sản phẩm tăng cao nên ngay từ khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần sầu riêng. Đồng thời, tập trung rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác thiết lập, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thành lập và đưa vào hoạt động Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, đây là hiệp hội ngành hàng sầu riêng đầu tiên trong cả nước.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh, với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành hàng này theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị chất lượng của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: bố trí sử dụng đất phát triển sầu riêng theo từng địa phương; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, sản xuất và chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất (giao thông, thủy lợi, logistics); tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; đề xuất các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển ngành hàng; xây dựng thương hiệu Sầu riêng Đắk Lắk…

* Theo ông, trong bối cảnh sầu riêng đang gặp nhiều “áp lực” về phát triển sản xuất và thị trường thì Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào trong thời gian tới?

Mặc dù trái sầu riêng Đắk Lắk – Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng Thái Lan và Philippines về sản lượng và chất lượng, tuy nhiên, trái sầu riêng Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn trên “đường đua” xuất khẩu với các nước cùng trồng loại cây này, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Nếu chúng ta không làm tốt các khâu từ sản xuất cho đến xuất khẩu thì sầu riêng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ cùng xuất khẩu vào thị trường lớn này.

Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk xác định sẽ là nơi tập hợp và làm cầu nối tạo mối liên kết chặt chẽ, trách nhiệm giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân tại vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiệp hội sẽ phát huy vai trò giám sát, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong các hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp…

* Xin cảm ơn ông!

Thuận Nguyễn (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.