Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp sức” để hộ nghèo tự lực vươn lên

08:31, 16/03/2023

Chính sách tín dụng ưu đãi từ Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã “tiếp sức”, mở ra cơ hội, động lực giúp người nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cư M’gar vươn lên gây dựng kinh tế gia đình, với mong muốn sớm thoát nghèo.

Đối tượng được thụ hưởng chính sách cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là hộ nghèo DTTS hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, tính đến nay đã có 41 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28, với tổng số tiền giải ngân là 2,3 tỷ đồng. Người dân trên địa bàn có nhu cầu vay tập trung vào 2 chương trình: vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ nhà ở. "Thực hiện Nghị định 28, đơn vị nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn. Nguồn vốn vay được bà con sử dụng đúng mục đích đã giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, tạo việc làm, có thêm động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống", ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar và các đoàn thể xã Cư Suê tuyên truyền, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28.

Đơn cử như gia đình chị H’Nung Êban (dân tộc Êđê, buôn Sút M’Đưng, xã Cư Suê), chỉ có hơn 1 ha cà phê đã già cỗi nên kinh tế của gia đình khá chật vật. Tháng 11/2022, chị H’Nung được vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 của Chính phủ. Có được số vốn vay, chị H’Nung mua cây giống, phân bón để tái canh cà phê.

Hàng xóm cùng chung cảnh nghèo với chị H’Nung là chị H’Tinh Êban cũng được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28. Số tiền này, chị H’Tinh đầu tư làm chuồng nuôi 6 con heo thịt. Đây là nền tảng để chị H’Tinh hy vọng kinh tế gia đình mình được cải thiện, vươn lên thoát nghèo. Chị trò chuyện: "Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với lãi suất ưu đãi, lại phân kỳ trả nợ nên tôi rất vui mừng. Vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng để gây dựng kinh tế, nuôi 4 người con ăn học".

Bà Phạm Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, đồng bào DTTS chiếm trên 60% dân số của xã. Trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, tạo việc làm cho bà con, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển hướng phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, tái canh cà phê; song, nhu cầu vốn để tái sản xuất của bà con khá lớn. Hiện toàn xã có 4 hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số dư nợ trên 29 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này đã tạo điều kiện để nhiều hộ nghèo ở địa phương có hướng làm kinh tế.

Từ số vốn vay ưu đãi, chị H’Tinh Êban (xã Cư Suê) đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo.

Ở xã Cư Dliê M’nông, nhiều hộ gia đình nghèo DTTS cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị H’Wân Niê (buôn Drao) thuộc diện hộ nghèo, chị mong muốn có vốn để chăn nuôi bò. Theo tính toán của chị, nuôi bò là phù hợp với điều kiện của mình nhất. Sau giờ làm, tranh thủ lúc nghỉ trưa, chị đi cắt cỏ, tìm thức ăn cho bò. Cuối năm 2022, chị được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Nghị định 28, và đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, chăn nuôi 2 con bò mẹ, 1 con bò con.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.