Multimedia Đọc Báo in

Tạo cơ hội phát triển từ các kênh thương mại điện tử

08:07, 11/04/2023

Là công cụ hỗ trợ đắc lực trong thời đại mới, thương mại điện tử đã giúp các hợp tác xã (HTX) dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài nước, nâng cao tính cạnh tranh và đầu ra rộng mở cho các sản phẩm địa phương.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất mắc ca trên địa bàn huyện Krông Năng, HTX Nông nghiệp mắc ca Tân Định (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) hiện có 56 thành viên với 135 ha mắc ca, sản lượng trung bình đạt hơn 120 tấn hạt tươi/năm. HTX đã nghiên cứu và ứng dụng dây chuyền sấy, tách vỏ mắc ca; sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”. Đây là lợi thế lớn cho sản phẩm mắc ca của HTX, giúp sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, HTX còn sản xuất dầu mắc ca, cây mắc ca giống… nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Không chỉ tiêu thụ theo phương thức truyền thống, từ năm 2019, HTX đã đẩy mạnh việc kinh doanh online thông qua các kênh Zalo, Facebook, Shopee… giúp việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi. Chỉ riêng trong năm 2022, HTX đã xuất bán được hơn 30 tấn hạt mắc ca thành phẩm, trong đó có 80% lượng hàng được bán qua các kênh thương mại điện tử, mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng.

Sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena được nhiều khách hàng ưa chuộng, đón nhận.

Theo anh Đinh Chiến Thắng, phụ trách mảng kinh doanh của HTX, kênh thương mại điện tử là cơ hội cho HTX xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Hơn thế, các kênh thương mại điện tử giúp HTX nắm bắt được thông tin khách hàng, kiểm soát được sản phẩm hàng hóa và giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, thời gian, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngay từ khi thành lập vào năm 2021, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena (TP. Buôn Ma Thuột) đã xác định tập trung phát triển bán hàng online thông qua nhiều sàn thương mại điện tử, tạo lợi thế trong quá trình phát triển. Do vậy, HTX đã đầu tư, đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như: Facebook, Shopee, Lazada... triển khai mở rộng các điểm bán lẻ và tìm hiểu, nghiên cứu phát triển trên nền tảng Tik Tok.

Khi số lượng đơn hàng tăng lên, HTX bắt đầu mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm bền vững cho người dân. Đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, đã giúp HTX tăng lượng đơn hàng và tiếp cận được thị trường nội địa.

Ngoài ra, HTX còn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia như: Alibaba, Amazon để xuất khẩu. Do chi phí duy trì gian hàng trên các sàn này rất cao, nên HTX đã xây dựng kế hoạch cụ thể, định hướng khách hàng, thị trường rõ ràng và lựa chọn sản phẩm phù hợp để đưa lên sàn. Nhờ vậy, sản phẩm đã đến đúng thị trường cần và tạo ra hiệu quả kinh doanh.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena (TP. Buôn Ma Thuột) có mặt trên nhiều nền tảng thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Bà Tống Thị Hoài Phương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 8 thành viên, liên kết với hơn 50 hộ dân để sản xuất 20 ha sả, gần 50 ha sa chi và xây dựng được khu vực chế biến đặt tại hai huyện Ea H’leo và Cư M’gar. Phát huy hiệu quả từ thương mại điện tử, HTX sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các kênh thương mại xuyên quốc gia, nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm dầu ép lạnh tại thị trường Malaysia và Đài Loan, đặc biệt là dầu mắc ca và dầu sa chi.

Để đồng hành cùng các HTX, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh kết nối cung – cầu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất theo chuỗi trên Cổng thông tin tiêu thụ sản phẩm HTX của Liên minh HTX Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng phát triển kinh tế tập thể và kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử cho các HTX, góp phần gia tăng giá trị trong kinh sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tập thể nói riêng.

Thảo Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.