Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk đẩy mạnh các phong trào thi đua

08:43, 22/06/2023

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) luôn chú trọng phát động, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ kinh doanh.

Năm 2023, Agribank Đắk Lắk chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng; các chỉ tiêu thi đua được lượng hóa bằng phương pháp tính điểm, có quy định thời gian phát động và tổng kết; xây dựng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cho từng phong trào; tổ chức đăng ký thi đua, kết hợp các đợt thi đua ngắn ngày; kiểm tra việc triển khai chỉ đạo phong trào thi đua, kiểm tra việc xét đề nghị khen thưởng hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết và rút ra những kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến.

Tiêu biểu phải kể đến các phong trào như: Phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ hằng năm; "Xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, hội nhập kinh tế"; thi đua "Giỏi chuyên môn nghiệp vụ"; “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”; "Phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ"; “Xây dựng, phát triển thương hiệu và thực hiện văn hóa Agribank trong đoàn viên, người lao động”; “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” và các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, công tác an sinh xã hội...

Để các phong trào luôn sôi nổi, phát huy tốt nhất hiệu quả phục vụ công tác, định kỳ 6 tháng, đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh. Ngoài ra hằng quý, đơn vị còn phát động các đợt thi đua ngắn ngày, khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong huy động vốn, phát triển khách hàng…

Agribank Đắk Lắk khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu thi đua năm 2022.

Nhờ triển khai hiệu quả các phong trào thi đua nên 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng Agribank Đắk Lắk vẫn hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của nửa đầu năm kế hoạch: Nguồn vốn huy động đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 13,5 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước và tăng 270 tỷ đồng so với đầu năm, bằng 98,8% kế hoạch năm; trong đó, huy động từ dân cư đạt 9.341 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,6% trên tổng nguồn vốn huy động của đơn vị. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 17.398 tỷ đồng, tăng 1.406 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước và bằng 94,6% kế hoạch năm; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 15.000 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng dư nợ cho vay. Thị phần tín dụng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định với tỷ trọng thường xuyên dao động từ 15 - 17% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ ngân hàng có bước phát triển khá, với doanh thu đạt 36 tỷ đồng, tăng 2,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt tốc độ tăng trưởng 8,3% và bằng 46,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận khoán tài chính đến cuối tháng 6/2023 đạt trên 50% kế hoạch được giao cả năm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.

Trong thời gian tới, với tinh thần thi đua hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Agribank Đắk Lắk xác định tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực trong thực hiện chính sách “tam nông”. Để làm được điều đó, đơn vị sẽ duy trì dư nợ cho vay trong lĩnh vực này thường xuyên đạt trên 90% tổng dư nợ; cân đối và bố trí nguồn vốn kịp thời, bảo đảm nguồn vốn đầu tư được an toàn, hiệu quả. Đồng thời, triển khai đồng bộ các sản phẩm dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ theo hướng công nghệ số.

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.