Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội thông qua 9 mặt hàng trong danh mục bình ổn giá

10:03, 20/06/2023

Chiều 19/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi) Theo đó,​​​​​​ có 9 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. 

Theo đó, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí: là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Cụ thể, có 9 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, gồm: xăng, dầu thành phẩm; khí dầu hóa lỏng (LPG); sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thuộc danh mục thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về tổ chức thực hiện bình ổn giá, Luật Giá (sửa đổi) nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.

Trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai, hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức: kiểm tra yếu tố hình thành giá hoặc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo một số yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; đánh giá cung cầu hàng hóa, dịch vụ để xác định nguyên nhân, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá phù hợp.

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá và thời hạn, phạm vi áp dụng bình ổn giá; tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá và báo cáo Chính phủ kết quả bình ổn giá. Đồng thời, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai biện pháp bình ổn giá và báo cáo kết quả gửi bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì triển khai.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm chấp hành biện pháp bình ổn giá được công bố và thực hiện kê khai lần đầu, kê khai lại giá theo quy định tại Điều 28 của Luật này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với việc bình ổn giá trên phạm vi cả nước, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn giá không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhưng cần thực hiện ngay, trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó. Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo phân công của Chính phủ...

Minh Tâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.