Quy hoạch điện VIII: Hấp lực mới cho công nghiệp năng lượng
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá, Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ tạo ra những hấp lực mới cho ngành công nghiệp năng lượng.
Ưu tiên năng lượng tái tạo
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW.
Cụ thể, đối với nguồn thủy điện, đến năm 2030, công suất đạt 29.346 MW (chiếm 19,5% cơ cấu nguồn điện), nhưng có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép; nguồn nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%); nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là 22.400 MW (14,9%); nguồn điện nhập khẩu 5.000 MW (3,3%), nhưng có thể lên đến 8.000 MW.
Về nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian này và được xem là một trong những điểm nhấn trong quy hoạch ngành điện.
Cụ thể, điện gió trên bờ là 21.880 MW (14,5%); điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn; điện mặt trời 12.836 MW (8,5%), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được quy hoạch 2.600 MW, nhưng được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất; điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô lớn hơn.
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H'leo. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo quy hoạch của Chính phủ, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2050 đạt từ 490.529 - 573.129 MW. Thời kỳ này, cả nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Cụ thể: điện gió trên bờ đạt 60.050 - 77.050 MW (chiếm 12,2 - 13,4%); điện gió ngoài khơi 70.000 - 91.500 MW (chiếm 14,3 - 16%); điện mặt trời đạt từ 168.594 - 189.294 MW (chiếm 33 - 34,4%); điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 6.015 MW (chiếm 1 - 1,2%).
Theo Quy hoạch điện VIII, cả nước sẽ loại bỏ khoảng 13.220 MW điện than. Dự kiến điện than đạt tăng trưởng ở mức 2% trong giai đoạn 2021 – 2030, sau đó giảm xuống còn 1% giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất các nguồn điện. Hạn chế phát triển điện than phù hợp với xu thế chung của ngành điện thế giới, bởi loại hình này có hạn chế về môi trường, hiệu quả và chi phí đầu tư. |
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Quy hoạch điện VIII đã giải quyết các vấn đề bất cập, hạn chế trong ngành công nghiệp năng lượng, tạo động lực cho phát triển hệ thống nguồn phát điện theo xu hướng chung của ngành năng lượng thế giới. Điểm đáng chú ý nhất trong quy hoạch này là đã đưa ra chính sách ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện với công suất chiếm khoảng 30,9 - 39,2% điện năng sản xuất vào năm 2030 và khoảng 67,5 - 71,5% vào năm 2050. Đặc biệt, điện tái tạo sẽ được phát triển trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế của các dự án và giữ sự ổn định của mạng lưới và hệ thống điện năng.
Cần thực hiện đúng quy hoạch
Các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành điện đều đánh giá cao những nội dung đưa ra trong Quy hoạch điện VIII.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về phát triển năng lượng đề ra thì các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tuân thủ đúng Quy hoạch, triển khai đồng bộ về nguồn điện và lưới điện, tránh phá vỡ quy hoạch trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề công nghệ, đặc biệt là công nghệ lưu trữ điện năng, bởi năng lượng tái tạo có nhược điểm là có thể gây mất ổn định cho hệ thống, phát triển với công suất lớn sẽ tạo áp lực đối với việc đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định nếu không được dự phòng, lưu trữ. Ngoài ra, Nhà nước cần tận dụng các nguồn nội lực để huy động được vốn đầu tư cho ngành điện.
Cụ thể, đối với điện mặt trời mái nhà, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ nếu đầu tư tối thiểu 5 kW/hộ, thì công suất nguồn điện này sẽ đạt 65 GW. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho ngân sách, nhưng Nhà nước cần xem xét trợ giá cho các chủ đầu tư và kiểm soát chất lượng các công trình. Về giá điện, cần được tính toán đảm bảo đủ chi phí cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không tạo gánh nặng cho người dùng điện.
Một góc cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. |
Đối với tỉnh Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15/7/2020 về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2021 - 2030 với tổng công suất 5.000 - 7.000 MW; giai đoạn 2031 - 2050 phát triển tăng thêm với công suất 5.000 - 10.000 MW nhằm tạo động lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực, ngành công nghiệp khác.
Mặt khác, tỉnh Đắk Lắk có chủ trương kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy phục vụ sản xuất các dạng năng lượng mới như Hydrogen, amoniac xanh để tự cung cấp cho phụ tải, vừa tiêu thụ điện tại chỗ, không phát triển lên lưới điện quốc gia hoặc thu hút các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo tăng thêm với quy mô công suất 2.000 - 3.000 MW giai đoạn 2020 - 2025; 3.000 - 4.000 MW giai đoạn 2026 – 2030 và 5.000 - 10.000 MW giai đoạn 2031 – 2050. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế đối với tấm pin mặt trời thải bỏ; xây dựng giải pháp phát triển khoa học công nghệ đồng bộ với các chính sách phát triển năng lượng tái tạo; hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc