Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng vé xe buýt điện tử vẫn “giậm chân tại chỗ”, vì sao?

08:16, 28/06/2023

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn chứng từ quy định rõ, kể từ ngày 1/7/2022, tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bắt buộc phải chuyển sang sử dụng vé điện tử thay cho vé giấy truyền thống.

Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt vẫn còn lúng túng, chưa thể triển khai do còn nhiều vướng mắc.

Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt trên địa bàn tỉnh gần như “kiệt sức”, rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng. Theo thống kê, trước đây có hơn 300 xe buýt hoạt động tại địa phương, nhưng dịch COVID-19 kéo dài khiến số lượng xe giảm mạnh.

Hiện nay, chỉ còn 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt hoạt động, với số lượng không quá 50 xe. Thực tế, các xe buýt của doanh nghiệp chỉ bảo đảm hoạt động được 30% công suất, tần suất và doanh thu. Chính vì vậy, việc triển khai sử dụng vé xe buýt điện tử đã tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp về mặt tài chính, trang thiết bị, trình độ nhân lực…

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt giảm, chỉ hoạt động cầm chừng nên việc áp dụng vé xe buýt điện tử gặp nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), sau khi Nghị định 123/2020/NĐ-CP ban hành, đơn vị đã làm việc với các tổ chức cung cấp dịch vụ để tìm hiểu lắp đặt phần mềm khởi tạo vé điện tử. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, để lắp đặt hệ thống phần mềm, đầu tư hoàn chỉnh thì chi phí hết gần 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với in vé giấy thông thường.

Ngoài ra, công ty phải mất thêm chi phí mua máy POS cầm tay và thuê bao mạng viễn thông cho từng xe. Trong khi hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì để đầu tư thêm trang thiết bị sẽ tạo thêm áp lực, gánh nặng về tài chính.

Bên cạnh đó, tuyến đường di chuyển xe buýt của đơn vị thường xuyên đi qua các địa bàn có địa hình hiểm trở, vùng sâu, vùng xa nên thường không có tín hiệu. Khi qua các tuyến đường này, nhân viên không thể in vé giao cho hàng khách khiến đơn vị bị thiệt hại về doanh thu.

Với Hợp tác xã Vận tải hành khách và hàng hóa Cư Mil (huyện Ea Súp) có hoạt động lộ trình xe buýt từ huyện Ea Súp – huyện Buôn Đôn - TP. Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai sử dụng vé xe buýt điện tử. Đại diện đơn vị cho biết, từ đầu tháng 7/2022 đã triển khai thí điểm áp dụng vé xe buýt điện tử, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị “vấp” nhiều vấn đề cần khắc phục nên đã ngưng lại. Hoạt động trên địa bàn đặc thù nên vé xe buýt tính theo từng vùng, cung đường; thường một tuyến ít nhất 5 loại giá nên khi vào vùng mất sóng viễn thông, hệ thống bị trục trặc không thể xử lý. Bên cạnh đó, trên hệ thống định vị để tạo ra được vé xe buýt điện tử, mỗi tài xế chỉ được truy cập vào lệnh vận chuyển điện tử với một xe cố định nên khi đổi người lái sẽ không khởi tạo được vé. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt thì không phải giao mỗi người một xe mà phân tài xế theo từng ngày và tuyến đường khác nhau. Do đó, sau khi thí điểm triển khai, đơn vị nhận thấy phần mềm còn chưa ổn định, trình độ doanh nghiệp xử lý còn hạn chế nên tạm thời ngưng áp dụng.

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt vẫn sử dụng vé xe buýt in giấy thông thường.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, vé xe buýt điện tử đặt ở các trung tâm được trợ giá và một mệnh giá rất dễ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk là địa bàn đặc thù nên khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, hầu hết đối tượng chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho việc áp dụng vé điện tử. Hơn nữa, sau hai năm dịch COVID-19, đến nay vé xe buýt in thông thường vẫn tồn rất nhiều. Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt, đơn vị đã có văn bản kiến nghị với ngành thuế và được chấp thuận cho sử dụng hết vé in thông thường rồi mới chuyển đổi. Đến năm 2024, khi hết vé cũ bắt buộc sẽ chuyển sang áp dụng vé xe buýt điện tử.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.