Multimedia Đọc Báo in

Đô thị Buôn Ma Thuột: Phát triển cùng sinh kế thị dân

08:34, 09/07/2023

Định hướng đến năm 2030, TP. Buôn Ma Thuột đạt tỷ lệ đô thị hóa 47%, với nhiều tiêu chí ổn định về đời sống kinh tế người dân, đáp ứng các nhu cầu về nước sạch, môi trường sống an toàn và an ninh… Trong đó, vấn đề phát triển đô thị gắn liền với điều kiện sinh kế cho thị dân được xác định hàng đầu.

Tạo đòn bẩy từ đô thị

Căn cứ Chương trình hành động (số 41) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng), để thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột phải là đầu mối tập trung bốn trụ cột kinh tế địa phương. Đó là phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số và xã hội số. Điểm tụ hội của bốn trụ cột này chính là phải phát triển kinh tế đô thị ổn định, bền vững, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, tương hỗ với vùng nông thôn xung quanh mở rộng năng lực kinh tế ngày càng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Buôn Ma Thuột đang dần hình thành những khu đô thị mới với các tiêu chuẩn quy hoạch hiện đại và tiện ích cho thị dân hơn.

Qua một số hội thảo kinh tế vùng và đặc thù thu hút đầu tư vào Đắk Lắk, Tây Nguyên, các chuyên gia tư vấn kinh tế đã chỉ ra, địa phương cần chọn hạt nhân quan trọng là đô thị Buôn Ma Thuột, để nhân rộng, nhân đôi các lợi thế đầu tư tại chỗ, làm sức mạnh thực tiễn cho các kế hoạch, chương trình hành động khác. Chính Buôn Ma Thuột, và các đô thị tương hỗ như TX. Buôn Hồ, thị trấn Phước An, Ea Kar, Quảng Phú… sẽ là đòn bẩy thực thi đúng hướng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng. Tỷ lệ đô thị hóa tại thành phố này và các đô thị vệ tinh càng cao, càng chứng tỏ định hướng phát triển kinh tế địa phương vững chắc. Theo đó, yêu cầu đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của thị dân, thu hút được các nguồn lực phát triển qua bốn trụ cột kinh tế phải được xem là mục tiêu cốt lõi.

Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, để thực hiện được yêu cầu trên, địa phương phải hình thành được các vùng sản xuất lớn, chuyên canh chất lượng về cây công nghiệp, cây ăn quả và trung tâm năng lượng tái tạo; đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ở mức khá; và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, trở thành nền tảng để phát triển. Tâm điểm đô thị trong chiến lược hành động này là rất rõ ràng, bởi chỉ có tập trung tốt nguồn lực tại các đô thị mới có thể thu hút và vận dụng được các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tranh thủ được các cơ hội hợp tác, xuất khẩu kinh tế lớn. Đô thị Buôn Ma Thuột bởi vậy phải là điểm tập trung nhu cầu tiêu dùng có chọn lọc, ứng dụng các công nghệ số thông minh hơn và sàng lọc văn hóa bản địa tinh túy, cải thiện không ngừng đời sống thị dân cùng các nhu cầu mới.

Những hạ tầng đô thị mới

Về cơ bản, TP. Buôn Ma Thuột vẫn xác định vai trò đô thị nông nghiệp công nghệ và chất lượng cao, điểm tập trung tiêu thụ, logistics hàng hóa nông sản lớn, định hướng sản xuất cho khu vực nông thôn vây quanh về các loại cây giá trị chủ lực. Từ thành phố này, yêu cầu định dạng khu công nghiệp chế biến tập trung, các vùng nguyên liệu canh tác đại trà… sẽ được đặt ra, tạo đầu mối về thương hiệu xuất khẩu giá trị, làm tăng thu nhập kinh tế cho thị dân sở tại.

TP. Buôn Ma Thuột đang dần hình thành những khu đô thị mới với các tiêu chuẩn quy hoạch hiện đại và tiện ích cho thị dân hơn.

Qua đó, Buôn Ma Thuột sẽ thực sự khởi động, đầu tư được các khu đô thị mới, thu hút lượng thị dân mới, với các yêu cầu hạ tầng đô thị hiện đại, văn minh hơn, như tiêu chí số hóa, ứng dụng công nghệ trong sinh hoạt người dân, quy hoạch thành các phố, cụm thương nghiệp, tài chính chuyên nghiệp và chuẩn mực. Hạ tầng các đô thị thương mại này còn gắn liền các tiêu chí văn hóa, xã hội địa phương, tạo nên các đô thị chủ đề, gắn kết những tiêu chí thành phố cà phê, thành phố văn hóa cao nguyên… Thị dân ở trong các khu đô thị sẽ không chỉ được bảo đảm các tiêu chí đời sống, sinh hoạt tiện nghi, lợi ích, mà còn có nhiều điều kiện cải thiện thu nhập, thêm ngành nghề kinh doanh, có sinh kế thực sự qua các dạng dịch vụ gia tăng…

Từ tâm điểm đô thị với các điểm nhấn đô thị mới, thông qua mạng lưới đường giao thông vành đai đang từng bước thành hình, TP. Buôn Ma Thuột sẽ có thể kết nối thông suốt, lan tỏa ra bên ngoài, đơn cử qua các dự án điểm nhấn như cao tốc về Nha Trang, đấu nối Đà Lạt, Phú Yên, theo đường Hồ Chí Minh về Đắk Nông, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Những "cánh cửa" giao thông trải mở này sẽ càng cho phép kinh tế nông nghiệp địa phương được phát huy, hướng đến nguồn xuất khẩu, tiêu thụ lớn, hỗ trợ người nông dân canh tác sản xuất hiệu quả, và đa số thị dân tăng cơ hội thương mại, tận dụng các sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến, xuất khẩu số hóa… Điều này càng giúp địa phương khai thác, hợp tác tốt về cả bốn trụ cột kinh tế, càng mở ra cơ hội ổn định về diện mạo đô thị hóa, tăng cường năng lực thu hút nguồn thị dân mới về địa phương, tạo điều kiện cải thiện các lĩnh vực y tế, giáo dục cơ sở, và nhất là khai thác văn hóa bản địa, đổi mới chất lượng du lịch…

Các chuyên gia tư vấn đều cho rằng mấu chốt phát triển các đô thị chính là phải ngày càng cải thiện được sinh kế thị dân, cải thiện đời sống, chất lượng sống, không gian sống của người dân trong các khu đô thị. Bởi Buôn Ma Thuột đã là đô thị có năng lực sản xuất nông nghiệp, có sẵn tiền đề sinh kế tại chỗ cho thị dân, nên việc cấu trúc kinh tế đô thị là khả thi, và qua đó, thúc đẩy chương trình hành động phát triển kinh tế tỉnh Đắk Lắk ngày một hiệu quả hơn!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.