Đổi thay ở buôn Drang
Buôn Drang, xã Ea H'đing (huyện Cư M’gar) có 126 hộ, với 575 nhân khẩu, gồm bốn dân tộc anh em cùng sinh sống: Êđê, Tày, Nùng và Kinh.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất của người dân, những năm qua đời sống nơi đây ngày càng ổn định, buôn làng thay đổi từng ngày theo chuẩn các tiêu chí nông thôn mới.
Dù còn trẻ nhưng gia đình anh Chu Đức Hoàn (SN 1994) ở buôn Drang đã có kinh tế ổn định từ những nỗ lực lao động sản xuất. Anh Hoàn cho biết: Cách đây 8 năm, khi lập gia đình, anh được bố mẹ hai bên gia đình cho 1 ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu, 3 sào ruộng và 3 sào đất vườn để ở. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn này, gia đình anh Hoàn đã đầu tư phân bón chăm sóc cho các loại cây trồng. Đến năm 2017 gia đình anh đầu tư chăn nuôi dê để tăng thêm thu nhập. Hiện nay đàn dê của gia đình có 16 con, trong đó có 10 con dê mẹ. Anh còn tận dụng 1 sào đất trong vườn trồng cỏ nhằm chủ động cung cấp thức ăn cho đàn dê. Phân dê được anh bón cho các loại cây trồng để giảm chi phí đầu tư. Bình quân mỗi năm gia đình anh Hoàn thu hoạch được 1 tấn cà phê, hơn 4 tạ tiêu, khoảng 3,5 tấn thóc và đàn dê xuất chuồng từ 10 - 12 con dê thương phẩm…, thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Có vốn tích lũy, vừa qua gia đình anh Hoàn còn đầu tư mua thêm 2 con bò sinh sản về chăn nuôi.
Anh Chu Đức Hoàn chăm sóc đàn dê. |
Gia đình anh Sạch Văn Luận (SN 1986) cũng có thu nhập ổn định từ trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Năm 1991, anh Luận rời quê hương ở tỉnh Cao Bằng cùng gia đình vào buôn Drang lập nghiệp. Với vốn liếng mang theo, gia đình anh mua được hơn 1 ha đất rẫy để trồng cà phê xen hồ tiêu và cây điều cùng với 4 sào ruộng; đồng thời anh còn đầu tư chăn nuôi thêm bò và lợn, lấy phân chăm sóc cho vườn cây. Trên diện tích 1 ha của gia đình, mỗi năm anh Luận thu được hơn 2 tấn cà phê, 2 tạ hồ tiêu, 7 tạ hạt điều, trên 4,5 tấn thóc. Sau khi trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi năm gia đình anh Luận thu lãi trên 50 triệu đồng.
Trưởng buôn Drang Nguyễn Thị Bình cho biết: Những năm trước đây, cuộc sống trong buôn gặp rất nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, người dân không có điện sinh hoạt, thiếu nước sạch để sử dụng, cuộc sống bữa đói bữa no, con em chưa được đến trường học tập đầy đủ. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chương trình, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai thực hiện. Điển hình như hoạt động hỗ trợ chăn nuôi bò, chăn nuôi dê sinh sản, mô hình trình diễn các giống lúa lai, giống ngô mới, người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Nhà nước còn đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi, dẫn nước đến các cánh đồng, tạo thuận lợi cho đồng bào gieo cấy lúa nước hai vụ. Đến nay, hầu hết các tuyến đường trong buôn đều được trải nhựa, cứng hóa hoặc cấp phối đá dăm, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất và vận chuyển nông sản. Đồng thời hệ thống lưới điện quốc gia được kéo đến từng hộ gia đình, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, nhiều nhà còn sắm được các phương tiện sản xuất đắt tiền, 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường. Hiện nay, buôn còn 9 gia đình thuộc diện hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, người dân buôn Drang đã đóng góp vốn đối ứng 40 triệu đồng, tham gia 30 ngày công để xây dựng sân bóng chuyền và hàng rào bảo vệ nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn. Hiện nay, đồng bào trong buôn đang tiếp tục huy động đóng góp để xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng, góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. |
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc