Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Krông Pắc

08:13, 25/07/2023

Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh ở huyện Krông Pắc vẫn hăng say lao động, sản xuất, trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Sau khi xuất ngũ, năm 1988 ông Nguyễn Duy Lương (thôn 5A, xã Ea Kly) rời quê hương Hà Tĩnh, đưa gia đình vào huyện Krông Pắc sinh sống và lập nghiệp. Với vốn liếng ít ỏi, ban đầu gia đình ông đầu tư nuôi heo và trồng cà phê, tuy nhiên cây trồng dần già cỗi, năng suất thấp, việc chăn nuôi bấp bênh nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Cựu chiến binh xã Ea Kly tham quan mô hình sản xuất của gia đình ông Nguyễn Duy Lương (bên phải, thôn 5A, xã Ea Kly). 

Loay hoay tìm hướng đi mới để tăng thu nhập cho gia đình, ông Lương nhận thấy địa phương có diện tích trồng lúa lớn, nhu cầu xay xát và tiêu thụ gạo có nhiều tiềm năng phát triển. Từ thực tế đó, ông đã mua lại máy xay xát cũ để phục vụ người dân địa phương, nhưng gạo xay xát từ máy móc này chất lượng không đảm bảo. Năm 2008, ông vay thêm vốn để xây dựng cơ sở sản xuất, đầu tư dây chuyền xay xát, kho dự trữ, sân phơi… có diện tích 4.000 m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Sau khi thu mua lúa tươi của người dân, ông sẽ đưa về sơ chế, đóng bao bì và bán lại cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Lương tiêu thụ được khoảng 6.500 tấn lúa thành phẩm và 4.000 – 5.000 tấn lúa tươi, với các giống lúa như: ST24, ST25, Đài thơm 8… mang lại thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng. Mô hình này còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. Không dừng lại ở đó, với sự nhạy bén, cần cù của mình, ông còn trồng thêm 2 ha sầu riêng hiện bắt đầu bước vào vụ thu bói.

Cũng nhờ ý chí vươn lên, cựu chiến binh Tạ Văn Vu (thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng) trở thành một trong những người đầu tiên đưa cây vải "bén rễ" tại địa phương và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cựu chiến binh Tạ Văn Vu (bên trái, thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng) chia sẻ kinh nghiệm trồng vải thiều cho hội viên.

Cùng gia đình vào định cư tại xã Ea Kuăng năm 1991, ông Vu mua lại mảnh đất trồng cà phê và hoa màu để lập nghiệp. Tuy nhiên thu nhập từ vườn cây bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, vợ chồng ông thường xuyên phải đi làm thuê để trang trải sinh hoạt và lo cho các con ăn học. Một lần xem phóng sự trên ti vi về những mô hình trồng vải thiều Bắc Giang mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông nảy sinh ý định chuyển đổi sang loại cây trồng này. Nghĩ là làm, năm 1994 ông về lại quê Bắc Giang tham quan các mô hình trồng vải và mua 20 cây giống vào trồng thử nghiệm xen trong vườn cà phê. Quá trình chăm sóc, ông nhận thấy cây vải không kén đất, phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ kỹ thuật, cùng với thời tiết khác biệt so với miền Bắc nên đến thời kỳ kinh doanh thì cây vải không ra hoa hoặc đậu rất ít trái. Sau khi tìm tòi, học hỏi khắp nơi, ông đã áp dụng phương pháp khoanh gốc cây để cắt nước, giúp cây bung hoa. Phương pháp này được gia đình thực hiện vào tháng 8 (âm lịch) hằng năm và sau 4 tháng, cây bắt đầu ra hoa. Nhìn những cây vải trĩu quả, gia đình ông vô cùng vui mừng vì đã sản xuất thành công. Nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây trồng này, ông đã phá bỏ cà phê già cỗi và nhân rộng diện tích vải lên 1,4 ha, với 600 cây giống vải U hồng, Thanh Hà, U thâm.

Ông Vu chia sẻ: “Đến nay, vườn vải của gia đình đã có tuổi thọ hơn 20 năm, nhiều cây cành đâm cao, phải thường xuyên chặt hạ ngọn, cành để giảm chi phí chăm sóc, phân, thuốc và công thu hái. Vải chỉ thu hoạch trong vòng 20 - 25 ngày, do vậy đến kỳ thu hái, gia đình phải thuê thêm 15 - 20 công lao động mỗi ngày”. Mỗi năm, vườn vải của gia đình ông Vu cho thu hoạch 30 tấn quả, với giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, được thương lái thu mua tại vườn, mang lại lợi nhuận 600 triệu đồng cho gia đình. Đồng thời, ông còn chiết khoảng 2.000 cành vải giống/năm để bán cho người dân địa phương.

Nhờ sự hăng say lao động, sản xuất, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, ông Vu đã xây được căn nhà mới khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng và đầu tư cho con cái làm ăn, có việc làm ổn định.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.