Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị thông minh: Cần tầm nhìn thông minh

08:40, 03/07/2023

Xu hướng phát triển đô thị thông minh đang ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia như một cách thức hội nhập quốc tế, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bắt kịp xu hướng

Sự phát triển của Internet, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa. Các quốc gia, các thành phố, trong đó có Việt Nam đều đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này nhằm tránh trở nên lạc hậu với thế giới đang biến đổi từng ngày. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị thông minh, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án); ngày 24/1/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết riêng đầu tiên được ban hành, đánh dấu mốc quan trọng với tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Khu đô thị sinh thái Văn hóa Cà phê Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) lồng ghép thực hiện một số tiện ích đô thị thông minh.

Sở Xây dựng cho biết, thực hiện Đề án, nghị quyết trên, đơn vị đã lồng ghép triển khai một số nhiệm vụ vào Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với các địa phương lồng ghép một số nhiệm vụ của Đề án vào các chương trình phát triển đô thị đang triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ; Chương trình phát triển đô thị Ea Kar... Hiện nay, toàn tỉnh có 4 dự án phát triển các khu đô thị đang được đầu tư, trong đó có chú trọng đến việc lồng ghép thực hiện một số nhiệm vụ của Đề án về quản lý đô thị thông minh, tiện ích đô thị thông minh phục vụ cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong đô thị, bao gồm: Đô thị sinh thái Văn hóa Cà phê Suối Xanh, TP. Buôn Ma Thuột; Khu đô thị dân cư Km7 thuộc Khu đô thị Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột; Khu dân cư Hà Huy Tập, phường Tân An thuộc Khu đô thị Bắc đường vành đai phía Tây, TP. Buôn Ma Thuột; Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk và xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng ưu tiên đã đưa ra các chương trình, như: Xây dựng hệ thống giám sát thu gom rác thải đô thị thông minh; xây dựng hệ thống quản lý cấp nước; xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh với hình thức doanh nghiệp đầu tư hoặc hợp tác công tư (PPP, BOT). Đồng thời, kế hoạch còn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai đô thị thông minh theo các nội dung của Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, đề án này đã vận hành chính thức các dịch vụ đô thị thông minh; thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (Dak Lak IOC) và tiến hành thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, gồm: Giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Giám sát điều hành kinh tế và xã hội; Phản ánh hiện trường; Giám sát an toàn thông tin mạng; Giám sát an ninh trật tự và điều hành giao thông. Trong năm 2023, 5 dịch vụ, gồm: Giám sát hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Giám sát hoạt động y tế; Giám sát hoạt động giáo dục; Giám sát hoạt động du lịch; Giám sát môi trường sẽ được mở rộng và triển khai thí điểm.

Cần tầm nhìn chiến lược

Tuy đã bắt kịp xu hướng nhưng việc triển khai phát triển đô thị thông minh hiện nay trên địa bàn tỉnh nói riêng và ở Việt Nam nói chung chỉ mới được "bắt tay vào làm" và dừng ở bước “thí điểm”.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, quá trình đô thị hóa trên thế giới đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, nếu như năm 1800 có 29,3 triệu người sống ở các đô thị (chiếm 3,2% tổng số dân thế giới) thì con số này vào năm 2000 là 3,35 tỷ người (chiếm 51%), dự báo đến năm 2025 là 5,2 tỷ người (chiếm 61%). Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam có chủ trương khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị. Việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các đô thị với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch... có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế là rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, Bộ Chính trị, Chính phủ đã định hướng xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên, “Thành phố cà phê của thế giới”; thành phố thông minh, bản sắc… Để làm được điều này cần phải đề ra tầm nhìn chiến lược.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk chính thức hoạt động từ tháng 9/2021.

Trên thực tế, đô thị thông minh đang được kỳ vọng giải quyết nhiều vấn đề về phát triển đô thị hiện nay đang gặp phải, như: quản lý đô thị, tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu, trong đó có cả vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế… Để định hướng lộ trình xây dựng các đô thị thông minh, các địa phương trong đó có Đắk Lắk đều đưa ra những tiêu chí hay tầm nhìn chiến lược riêng dựa vào năng lực, tiềm năng, nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng và khó đoán trước được của nền kinh tế thế giới cũng như các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay đặt ra yêu cầu mỗi đô thị không chỉ cần có tầm nhìn mà phải có tầm nhìn thông minh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tầm nhìn thông minh sẽ quy định và quyết định mọi kế hoạch hành động cũng như là kim chỉ nam, là đích đến cho các lĩnh vực đa ngành. Mặc dù mỗi đô thị chắc chắn có một tầm nhìn thông minh cho riêng mình, nhưng có thể nói cái đích cuối cùng của sự phát triển đô thị chính là hướng đến sự phát triển bền vững, không đánh đổi phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Ngày 26/6/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn về việc triển khai ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tại các địa phương. Theo đó, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ các đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và tình hình thực tế để xác định tầm nhìn, chiến lược, sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, phương thức… trong tổ chức triển khai, thẩm định việc phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.