Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác giảm nghèo ở Cư Drăm

08:15, 18/07/2023

Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) có gần 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có 5 buôn đồng bào Êđê và M’nông với 603 hộ, hơn 2.600 khẩu.

Những năm qua, đồng bào DTTS tại chỗ nơi đây được hưởng nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng; qua đó góp phần tạo sinh kế, giúp giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo nơi đây…

Theo số liệu rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022, trong số 603 hộ đồng bào dân tộc tại chỗ của xã Cư Drăm thì có đến 338 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo, chiếm đến 78,6% (đa số nghèo về tiêu chí thu nhập).

Hàng chục héc-ta đất bằng màu mỡ ven suối của người dân buôn Tơng Rang A bị lở không còn trồng trọt được.

Buôn Tơng Rang A hiện có 102 hộ, 531 khẩu là người Êđê nhưng có đến 77 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 92,2%. Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của buôn cao. Trước đây cả buôn có khoảng 70 ha đất bằng, đất thấp trồng bắp lai, lúa nước và các loại đậu đỗ. Mười năm trở lại đây, do suối Krông Bông chảy ngang qua buôn thay đổi dòng chảy, khiến gần 20 ha đất bằng, màu mỡ ven suối của nhiều hộ dân đã bị lở, trơ lại toàn đá, sỏi, cát không canh tác được gì. Chi bộ, Ban tự quản buôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như bắp lai bố mẹ, cây thuốc lá, dứa đồi, cây môn sáp hay cây ăn quả, thay thế bắp lai thường, cây sắn nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Trưởng buôn Tơng Rang A Y Phơ Niê nói: “Chi bộ, ban tự quản buôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng bà con ngại thay đổi, sợ tốn công, sợ khó, sợ làm không đạt nên trong buôn không có gia đình nào làm”.

Không những vậy, việc sử dụng nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của phần lớn hộ dân trong buôn chưa phát huy hiệu quả. Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ 60 hộ về con giống như bò, dê, heo, gà với trị giá 12 triệu đồng/hộ, làm sinh kế để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau lứa nuôi đầu thì trong buôn không còn gia đình nào tái đàn. Chuồng trại, máng ăn bỏ không hoặc bán phế liệu. Đáng buồn hơn là 60 hộ dân trong buôn hiện đang được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (Chi nhánh Krông Bông), với tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là 1,9 tỷ đồng, nhưng phần lớn các gia đình sử dụng kém hiệu quả. Ông Y Riếu Ê Ban, Bí thư Chi bộ buôn Tơng Rang A, Tổ trưởng vay vốn của buôn trăn trở: “Có những gia đình được vay đến 50 triệu đồng. Nhưng sau khi nhận vốn, một số hộ không đầu tư trồng trọt, chăn nuôi như trong hợp đồng, mà về sử dụng sai mục đích như mua xe, làm nhà, trả nợ hoặc đầu tư trồng trọt, chăn nuôi nhưng không hiệu quả. Một số hộ vay trước khi đến hạn trả gốc, không có tiền phải sang nhượng đất. Hiện nay trong buôn đã xuất hiện một số hộ đói vì không còn đất sản xuất, không có việc làm ổn định”.

Hơn 1 ha đất màu của gia đình bà H Oăn Byă ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm bị xói lở giờ chỉ còn được vài sào.

Tương tự, buôn Chàm B cũng có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao với những nguyên nhân như trên. Buôn Chàm B hiện có 112 hộ đồng bào Êđê thì có đến 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo, chiếm 89,3%. Do không có hệ thống thủy lợi nên buôn Chàm B chỉ có 6 ha lúa nước và vài chục héc-ta đất bằng, còn lại đất đồi dốc. Nhiều con giống, cây giống như bò, dê, heo, gà, dứa được hỗ trợ từ các dự án và hơn 2 tỷ đồng tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 80 hộ vay, nhưng sử dụng không hiệu quả. Chi ủy, Ban tự quản của buôn cũng đang lúng túng, không biết định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo.

Buôn Chàm A tuy ở ngay trung tâm xã Cư Drăm nhưng việc chuyển đổi cây trồng cũng gặp không ít khó khăn. Người dân ở đây đa số vẫn canh tác theo kiểu truyền thống, ít đầu tư, chăm sóc nên năng suất không cao. Buôn có hơn 100 hộ người Êđê thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 70%.

Hay như buôn Cư Drăm được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế hơn so với các buôn khác song tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong buôn vẫn còn rất cao. Buôn có 180 hộ người Êđê thì có đến 62 hộ nghèo và 73 hộ cận nghèo. Diện tích đất canh tác khá nhiều với 92 ha cà phê, 29 ha dứa, 27 ha sắn, 25 ha bắp lai, 13 ha lúa nước... Tuy nhiên, việc canh tác theo lối truyền thống, ít đầu tư, chăm sóc nên năng suất thấp. Hiện nay trong buôn đã có một số hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng, trồng xen canh cây ăn trái đem lại giá trị cao nhưng việc nhân rộng vẫn rất khó.

Năm 2022 vừa qua, xã Cư Drăm tăng thêm 3 hộ nghèo người DTTS tại chỗ. Cấp ủy, chính quyền xã Cư Drăm luôn trăn trở, thực hiện nhiều giải pháp, nhưng số hộ nghèo trong đồng bào thiểu số tại chỗ vẫn còn rất cao. Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm thông tin: Rất nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án với hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng và hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để giúp các hộ nghèo trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất. Song kết quả đem lại chưa được như mong muốn. Phần lớn bà con có tâm lý ngại khó, sợ khổ, không có quyết tâm thoát nghèo. Thách thức lớn nhất đối với địa phương lúc này là làm thế nào để người dân thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới có thể thoát nghèo bền vững…

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.