Tín dụng chính sách “đánh thức” vùng quê nghèo
Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) trước đây được biết đến là một vùng quê nghèo, giao thông cách trở, đặc biệt khó khăn.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân và sự “tiếp sức” của nguồn vốn tín dụng chính sách mà diện mạo vùng quê ngày càng đổi thay.
Từ ngày tín dụng chính sách “phủ sóng” theo Nghị định số 78/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương nhanh chóng tiếp cận được vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống.
Vì vậy, từ một vùng quê được ví như “thâm sơn cùng cốc” với hàng nghìn héc ta đất đồi dốc, rừng nghèo bị bỏ hoang không thể canh tác và sản xuất, đến nay, bằng sự nỗ lực, cần cù, chăm chỉ của người dân, vùng đất hoang hóa ngày nào đã được phủ xanh bằng các loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao. Một trong những loại cây “cắm rễ”, mang lại thu nhập khá, góp phần giúp bà con nơi đây thoát nghèo phải kể đến cây dứa.
Theo thống kê, địa phương hiện có hơn 800 ha dứa đồi, trong đó 740 ha đã đi vào kinh doanh, lợi nhuận từ 120 - 160 triệu đồng/ha.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của người dân xã Cư Drăm. |
Gia đình chị Trần Thị Lan (thôn 2, xã Cư Drăm) có 5 ha đất vùng đồi núi, nhiều năm trồng cây cà phê cho hiệu quả thấp, thiếu nước nên cây bị vàng úa, chậm phát triển, năng suất, sản lượng thấp. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, chị đã mạnh dạn vay 70 triệu đồng để cải tạo lại đất, mua phân bón thực hiện chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang dứa. Theo chị Lan, được vay vốn ở NHCSXH lãi suất thấp nên chị đã mạnh dạn bỏ ra chi phí trồng trọt mà đỡ phải đắn đo, suy nghĩ. Thời gian gần đây, đồi dứa của gia đình phát triển đạt năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tương tự, 5 ha đất của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến (thôn 1, xã Cư Drăm) cũng là đất đồi núi, cằn cỗi, chỉ trồng được các loại cây ngắn ngày. Thế nhưng, các loại cây trồng này cho năng suất thấp, không đủ thu nhập để gia đình trang trải chi phí sinh hoạt. Năm 2017, gia đình mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phân bón, kỹ thuật, cải tạo lại đất để trồng dứa. Sau 6 năm, vùng đất hoang hóa ngày nào của gia đình đã được phủ xanh. Chị Yến chia sẻ, để nâng cao giá trị trái dứa, gia đình áp dụng biện pháp trồng rải vụ, mỗi lần trồng từ 2.000 - 3.000 cây vừa cho năng suất, chất lượng tốt, lại không bị thương lái ép giá. Nhờ vậy, thu được lợi nhuận cao và đầu ra ổn định hơn so với trồng các loại cây khác, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Trần Thị Lan (xã Cư Drăm) đã trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế khá. |
Theo thống kê của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông, hiện nay dư nợ tín dụng chính sách tại xã Cư Drăm khoảng 30 tỷ đồng, chủ yếu để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, trồng dứa, tiêu… Đơn vị thực hiện cho vay 12 chương trình vốn, tập trung chủ yếu với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo và sản xuất gặp khó khăn. Điều kiện người dân xã Cư Drăm còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác tại huyện Krông Bông, nhưng nhờ sự chăm chỉ, siêng năng nên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả. Vì vậy, đơn vị thường xuyên rà soát nhu cầu chặt chẽ, ưu tiên hàng đầu cho các đối tượng nghèo, cận nghèo… tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông cho biết, địa phương hiện có hơn 13.000 khách hàng đang vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ gần 571 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận nguồn vốn chính sách. Đồng thời, đảm bảo 100% hộ nghèo và các gia đình chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. |
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc