Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên giải ngân kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

14:10, 06/07/2023

Sáng 6/7, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (Dự án).

Dự và chủ trì cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần 2, Dự án thành phần 3; lãnh đạo sở, ngành và địa phương liên quan.

Các đại biểu dự cuộc họp.
Các đại biểu dự cuộc họp.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài 117,5 km đã được khởi công từ ngày 18/6/2023. Tuy nhiên, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án qua địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà báo cáo tình hình thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà báo cáo tình hình thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Dự án thành phần 3 đi qua 3 huyện gồm Ea Kar, Cư Kuin và Krông Pắc, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 331 ha, đến nay mới bàn giao hơn 88 ha. Dự án thành phần 2 qua địa bàn 3 huyện gồm Ea Kar, M’Drắk và Krông Bông, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là gần 318 ha, mới chỉ bàn giao 15 ha. Hiện các địa phương đều gặp khó khăn chung về công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất, giá bồi thường, hỗ trợ cây lâm nghiệp…

Tại cuộc họp, các địa phương, đơn vị đã nêu một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án. Theo đó, huyện Cư Kuin kiến nghị chủ đầu tư sớm tiến hành bàn giao hướng tuyến và mốc đối với tuyến kênh mương để huyện thực hiện các bước tiếp theo. Huyện Ea Kar kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh, chủ đầu tư Dự án thành phần 3 cho ứng tiền theo phương án tổng thể nhằm rút ngắn thời gian chi trả, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB Dự án đoạn qua địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB Dự án đoạn qua địa bàn huyện.

Huyện M’Drắk kiến nghị đơn vị liên quan sớm thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đối với cây Keo cho phép người dân được tận thu sau khi bồi thường. Huyện Krông Bông kiến nghị cho chủ trương và hướng dẫn phương pháp khai thác, tận thu, thanh lý nộp vào ngân sách Nhà nước đối với cây rừng mọc tự nhiên trên đất; đối với 13 bãi đổ thải và 2 mỏ đất đề nghị chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát hiện trạng rừng để làm cơ sở xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đề nghị chủ đầu tư không được tác động đến diện tích đất và rừng thuộc Dự án đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông.

Chủ đầu tư Dự án thành phần 2 cũng kiến nghị UBND tỉnh, sở, ngành hỗ trợ, phối hợp nhà thầu xây lắp hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng nhu cầu vật liệu đá của gói thầu đoạn qua huyện Ea Kar. Chủ đầu tư Dự án thành phần 3 kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu chuyển vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất 572,9 tỷ đồng được giao tại Quyết định số 756/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 21/4/2023 để kịp thời giải ngân, bảo đảm tiến độ GPMB Dự án…

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách nêu tình hình bố trí và giải ngân vốn Dự án thành phần 3.
Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách nêu tình hình bố trí và giải ngân vốn Dự án thành phần 3.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đề nghị sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt nhiệm vụ giải ngân kinh phí bồi thường, GPMB để thi công Dự án đúng tiến độ, đảm bảo ứng vốn, hoàn ứng và chi bồi thường minh bạch đúng quy định của pháp luật. Sở Tài chính căn cứ ý kiến các ngành phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh để lập phương án phân bổ ưu tiên nguồn lực cho công tác GPMB.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông chủ trì phối hợp các ngành sớm tham mưu UBND tỉnh kết quả thẩm định phương án giá rừng trồng cây Keo lai và cây Bời lời theo quy định, tháo gỡ khó khăn theo hướng người dân được tận thu rừng sau khi nhận hỗ trợ.

Về điều chỉnh giá đất, đo đạc kiểm kê đất rừng, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương xử lý hiệu quả theo quy định chung; tuyên truyền giải thích cho người dân nắm rõ và đồng lòng thực hiện.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.