Multimedia Đọc Báo in

Vựa lúa huyện Lắk đứng trước nguy cơ mất trắng

07:46, 30/07/2023

Do thời tiết diễn biến bất thường, những ngày qua trên địa bàn huyện Lắk có mưa vừa và mưa to, khiến hàng trăm héc-ta lúa vụ hè thu bị ngập chìm trong nước. Công tác khắc phục đang được chính quyền địa phương và người dân gấp rút triển khai.

Nguy cơ mất trắng

Theo báo cáo nhanh của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tính đến đầu giờ chiều ngày 29/7, toàn huyện có 750 ha lúa nước bị ngập. Trong đó, xã Buôn Triết có 320 ha; xã Đắk Liêng 268 ha; xã Buôn Triết 106 ha; thị trấn Liên Sơn 26 ha; xã Bông Krang 20 ha và xã Yang Tao 10 ha.

Hàng trăm héc-ta lúa ở xã Buôn Tría và Buôn Triết ngập chìm trong nước.

Hiện nay lúa đang trong giai đoạn làm đòng, phân nhánh và một số diện tích đang thời kỳ trổ bông. Do đó, nếu trong những ngày tới trời tiếp tục mưa, nước sông Krông Ana dâng cao, cộng với nước từ suối Đắk Liêng, Đắk Phơi đổ về thì nguy cơ mất trắng ở những diện tích bị ngập là khó tránh khỏi.

Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Bùi Mạnh Hải thông tin, trong những ngày qua trên địa bàn có mưa lớn và nước từ sông Krông Ana dâng cao đột ngột khiến hơn 320 ha lúa trên địa bàn xã bị ngập sâu trong nước và hơn 150 mét đê bao sông tự đắp của người dân bị vỡ.

Trong sáng 29/7, UBND xã đã huy động máy móc và lực lượng tại chỗ cùng người dân tổ chức hộ đê cứu lúa, đồng thời gia cố những đoạn đê xung yếu để tránh nước sông tràn vào. Đến chiều cùng ngày, đoạn đê bị vỡ đã được khắc phục cơ bản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trong những ngày tới nếu thời tiết tiếp tục mưa lớn thì toàn bộ diện tích lúa hơn 1.000 ha của người dân trong xã có nguy cơ mất trắng.

Cánh đồng cầu tre tại xã Buôn Tría bị ngập chìm trong nước.
Cánh đồng cầu tre tại xã Buôn Tría bị ngập chìm trong nước.

Tại xã Buôn Tría, vụ hè thu năm 2023 tổng diện tích gieo trồng toàn xã hơn 900 ha, tính đến chiều 29/7 có hơn 100 ha lúa bị ngập, người dân chỉ trông chờ nước rút. Chị Nguyễn Thị Là (thôn Đông Giang 1, xã Buôn Tría) buồn rầu cho hay, vụ hè thu năm nay gia đình chị gieo 1,6 ha lúa ST25, đến chiều 29/7, khi ra kiểm tra đồng thì toàn bộ diện tích trên đã chìm trong biển nước. Hiện lúa đang trong giai đoạn làm đòng nên những ngày tới nếu nước không rút kịp thời thì không còn hy vọng cứu lúa. Cũng với diện tích này, vụ đông xuân 2022 – 2023 vừa rồi, gia đình chị thu về hơn 17 tấn lúa tươi, nhưng vụ này đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Tuyến giao thông nội đồng ở xã Buôn Tría bị ngập, gây chia cắt.
Tuyến giao thông nội đồng ở xã Buôn Tría bị ngập, gây chia cắt.

Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, đây là đợt mưa lũ bất thường, xảy ra sớm hơn so với các năm trước. Đặc biệt, hiện lúa đang giai đoạn trổ, làm đòng và phân nhánh nên khi bị ngập lụt kéo dài sẽ giảm về năng suất và sản lượng, thậm chí mất trắng đối với diện tích 750 ha bị ngập trong những ngày qua.

Chủ động phương án phòng, chống lũ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, trong sáng 29/7, huyện đã thành lập một đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình ngập lụt tại các xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Qua đó, yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra những vị trí xung yếu đê bao (đê do dân tự đắp) để chủ động phương án khắc phục nếu xảy ra sự cố nứt, vỡ đê, sạt lở đất với phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Cùng với đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Trong đó, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn diện rộng và tình hình thời tiết nguy hiểm khác nhằm thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Phân công cán bộ kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân. Sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Người dân xã Buôn Triết nỗ lực đắp đê cứu lúa.
Người dân xã Buôn Triết nỗ lực đắp đê cứu lúa.

Ngoài diện tích lúa nước bị ảnh hưởng, trên địa bàn huyện cũng có một căn nhà của hộ ông Y Quang Tơr (buôn Yuk, xã Đắk Liêng) bị sập đổ. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan và UBND xã Đắk Liêng kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để hộ ông Y Quang dựng lại căn nhà, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Vụ hè thu năm 2023, tổng diện tích gieo trồng của huyện Lắk trên 12.200 ha, trong đó chủ yếu là lúa nước, với gần 7.700 ha. Hằng năm người dân sản xuất lúa ở vùng trũng gồm các xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết đều phải gánh chịu từ 2 - 3 trận lũ, có những vụ mùa mất trắng do lũ lụt gây ra. Trên địa bàn huyện hiện có Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana triển khai dở dang, do thiếu trầm trọng nguồn đất đắp nên tạm dừng thi công. Hằng năm, người dân “rốn lũ” chỉ biết ngóng chờ công trình sớm được triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.