Vươn lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Trong những năm qua, huyện Cư Kuin luôn chú trọng thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị H’Đal Êban (buôn Ea Tlă, xã Đray Bhăng) trước đây là hộ nghèo. Chị lập gia đình từ năm 2011, do không có đất đai, nhà ở nên vẫn ở chung với bố mẹ. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, cùng sự chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm tích lũy, đến nay gia đình chị đã có nhà ở ổn định, cuộc sống đầy đủ hơn.
Chị H’Đal Êban (buôn Ea Tlă, xã Đray Bhăng) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Chị H’Đal vui vẻ cho biết: “Gia đình mình được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện hai lần rồi. Lần đầu vay theo diện hộ nghèo được 20 triệu đồng để mua bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt nên bò đẻ được mấy con, từ đó có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo. Năm 2020, gia đình mình lại được vay vốn từ chương trình tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê, tiêu. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. Đến nay, thu nhập từ 3 sào cà phê và hơn 1 sào lúa nước một vụ, sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn lại hơn 50 triệu đồng/năm, chưa kể tiền làm thuê tranh thủ trong những lúc nhàn rỗi… nên cũng đủ nuôi con cái ăn học”.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin thăm hỏi tình hình sử dụng nguồn vốn vay của gia đình chị H’Nhuen Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp). |
Tương tự, những năm trước đây, gia đình chị H’Nhuen Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp) cứ lẩn quẩn trong đói nghèo khi chồng chị bị khuyết tật, không có sức khỏe lao động, lại đông con. Không có nghề nghiệp ổn định, nguồn thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông chờ vào hơn 1,5 sào lúa nước. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chị H’Nhuen phải đi làm thuê đủ nghề, ai kêu gì thì làm nấy. Đến nay, con cái dần trưởng thành, hoàn cảnh đỡ cơ cực hơn; đặc biệt nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện vào năm 2021, gia đình chị đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ 2 con bò mới mua ban đầu, nhờ chăm sóc tốt, đến nay số bò đã tăng lên 4 con và sắp sinh sản thêm 2 con nữa; đồng thời gia đình chị còn mua thêm được 2 sào ruộng lúa nước. Chị H’Nhuen bộc bạch: “Nhờ vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo mà gia đình mình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, tiết kiệm tích lũy, yên tâm làm ăn, không lo tái nghèo…”.
Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi song song với việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại các xã nhằm “chuyển tải” kịp thời nguồn vốn chính sách đến với người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…”. Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin Hoàng Thị Thanh Tâm
|
Không chỉ gia đình các chị H’Đal Êban, H’Nhuen Bdap mà nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Cư Kuin cũng đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin Hoàng Thị Thanh Tâm cho biết: Để đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, những năm qua, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị (đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện là Trưởng Ban đại diện) chỉ đạo các xã thực hiện rà soát từ các thôn, buôn nắm bắt nhu cầu vay vốn của bà con; đồng thời thực hiện phương thức ủy thác tín dụng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện...
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền cùng sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, công tác quản lý, cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy tối đa hiệu quả, từ đó từng bước cải thiện đời sống cho một bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện…
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai được 17 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt hơn 403 tỷ đồng, với 10.159 hộ đang còn dư nợ, chiếm 39% tổng số hộ toàn huyện.
Công tác cho vay theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025) theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP luôn được quan tâm, tập trung rà soát đối tượng thụ hưởng chặt chẽ và đã thực hiện giải ngân đến 385 hộ, với số tiền hơn 18,6 tỷ đồng.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân theo kế hoạch tín dụng được giao với doanh số cho vay đạt gần 62 tỷ đồng, góp phần giúp 1.708 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc